Nguồn vốn FDI và sự phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng Nam Bộ
Một góc nhà máy khí điện đạm Phú Mỹ. Những năm gần đây, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xúc tiến thương mại và kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI. Nhưng thực tế cho thấy, nguồn vốn FDI vào khu vực ĐBSCL cực kỳ ít, đặc biệt là ở lĩnh vực nông nghiệp.Có quá ít cơ hội cho nền nông nghiệp của đất nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài, hơn nữa, có quá nhiều trở ngại trong việc thu hút đầu tư. Đó là tại ĐBSCL, người nuôi trồng thủy sản và trồng lúa luôn đối mặt với nhiều khó khăn về giá và đầu ra của sản phẩm. Việc định giá bán ra luôn phụ thuộc những thông tin thiếu chính xác và không có định hướng rõ ràng. Thực tế, mức thu nhập của nông dân và các thương lái, các chủ ghe tàu thu mua,... có sự chênh lệch với nhau khá lớn. Theo số liệu tính toán và thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB)...
|
Có quá ít cơ hội cho nền nông nghiệp của đất nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài, hơn nữa, có quá nhiều trở ngại trong việc thu hút đầu tư. Đó là tại ĐBSCL, người nuôi trồng thủy sản và trồng lúa luôn đối mặt với nhiều khó khăn về giá và đầu ra của sản phẩm. Việc định giá bán ra luôn phụ thuộc những thông tin thiếu chính xác và không có định hướng rõ ràng. Thực tế, mức thu nhập của nông dân và các thương lái, các chủ ghe tàu thu mua,… có sự chênh lệch với nhau khá lớn. Theo số liệu tính toán và thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) vào cuối năm 2010: Trong khi thu nhập bình quân của nông dân: 860 USD/người/năm, thì thương lái: 4.000 USD/người/năm; chủ ghe thu mua: 15.000 USD/người/năm; chủ hãng vận tải: 25.600 USD/người/năm.
Sự chênh lệch thu nhập này cho thấy nhiều nghịch lý trong hệ thống thu mua lúa gạo. ĐBSCL có rất nhiều nơi gặp phải tình trạng nông dân bán lúa nhưng doanh nghiệp lại thu mua gạo, điều này trước mắt người nông dân sẽ phải mất đi một số lợi nhuận vào các thương lái trung gian. Tình huống khác đơn giản như khi thị trường trầm lắng, đầu vào dồi dào, doanh nghiệp ngừng thu mua, tạo nên một áp lực rất lớn cho những nông dân cần quay vốn để tái đầu tư vào vụ mới. Chính những bất cập về giá cả cũng như sự mập mờ thông tin về thị trường cũng là yếu tố làm cho các nhà đầu tư không cảm thấy an toàn khi tham gia đầu tư. Hạ tầng quá kém cũng là một trong những trở ngại lớn, làm chùn bước bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào muốn đầu tư. Hạ tầng của khu vực ĐBSCL vẫn còn nhiều thiếu sót và chậm trễ, nhất là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu như: hệ thống đường sá, cầu cống, điện, bến cảng, hệ thống cấp thoát nước… Mặc dù qua nhiều lần thay đổi chính sách đối với Luật Đầu tư nước ngoài nhằm trải thảm đón các nhà đầu tư, nhưng tất cả những sự thay đổi đó vẫn không làm sao khỏa lấp được những khiếm khuyết: Tồn tại quá nhiều giấy phép, quy định và những thủ tục không cần thiết. Có thể nói, các quy định của luật pháp về đầu tư FDI hiện nay ít phù hợp với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, việc phối hợp giữa các cơ quan địa phương trong thẩm định và cấp phép dự án chưa nghiêm túc và rõ ràng, các dự án thường phải mất rất nhiều thời gian để chờ phê duyệt. Thêm vào đó, thủ tục còn thể hiện nhiều khái niệm mù mờ, không ít quy định bị trùng lắp, mâu thuẫn chồng chéo giữa các chuyên ngành đầu tư với nhau.
Chính sách thuế, chính sách sử dụng đất và chế độ ưu đãi đầu tư còn chưa thống nhất và rõ ràng, không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư so với các lĩnh vực phi nông nghiệp khác. Nhà nước chưa thực sự tạo điều kiện ưu đãi, không có hệ thống bảo hiểm nông nghiệp khiến cho các nhà đầu tư không thiết tha với lĩnh vực vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro này.
Cuối cùng, thu nhập thấp, mức sống thấp, sự phân bố giàu nghèo quá chênh lệch tạo nên một hệ lụy đáng buồn là trình độ dân trí của nông dân chưa cao. Những khái niệm về tiêu chuẩn hiện đại cần thiết cho một nền nông nghiệp hàng hóa như: tuân theo các chu trình sản xuất, kiểm tra chất lượng, diễn biến giá, dự báo giá, thông tin thị trường và hàng loạt các tiêu chuẩn, quy định khác… còn rất xa lạ và mơ hồ với nông dân. Do đó, điểm giao nhau giữa các nhà đầu tư và người nông dân vẫn chưa được tìm thấy nên rất khó để thỏa hiệp, để hợp tác hai bên cùng có lợi.
Các chuyên gia của WB khuyến cáo rằng, Việt Nam nếu muốn vươn mình phát triển thì phải gắn kết sự phát triển kinh tế với phát triển nông nghiệp. Vì chính nông nghiệp là yếu tố cực kỳ quan trọng để xóa đói, giảm nghèo, phải xác định rằng trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn thì cần thiết phải có sự đột phá về chính sách để thu hút các nguồn đầu tư từ nước ngoài. Để làm tốt được việc này, cần phải mất rất nhiều thời gian để quy hoạch, để thay đổi, nhưng trước mắt vẫn nên tập trung tháo gỡ một số khó khăn còn tồn đọng và làm tốt các vấn đề sau đây:
Một là, xây dựng hệ thống thu mua, tạo đầu ra an toàn cho lúa gạo và các mặt hàng nông sản khác. Tăng cường năng lực phân tích và tiếp thị, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam bằng việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.
Hai là, tập trung vốn ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, làm tốt công việc thủy lợi nội đồng, đường liên thôn liên xã, xây dựng và quy hoạch hệ thống dẫn nước trong sản xuất nông nghiệp, trong việc xây dựng hệ thống nước thải nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, vì thực tế tâm lý các nhà đầu tư thường e ngại khi phải bỏ một khoản chi phí khá lớn cho việc xử lý chất thải và chống ô nhiễm môi trường.
Ba là, thực hiện các nghiên cứu về các điều kiện thực tế khi thu hút FDI trong nông nghiệp nông thôn như các chính sách sử dụng đất, thuế, tín dụng và các chế độ ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp.
Bốn là, cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ đầu tư xây dựng nhằm tăng cường khả năng chủ động trong việc phòng, chống thiên tai. Nên nghiên cứu và thành lập quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ này có thể được sử dụng để trợ cấp cho nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp khi gặp tổn thất vì thiên tai, vì rủi ro do biến động giá, do dịch bệnh hay do bất kỳ một nguyên nhân khách quan nào khác.
Năm là, phát triển hệ thống đào tạo nghề ở nông thôn, hệ thống khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức về kinh tế và kiến thức về thị trường cho người lao động nông thôn. Việc làm này đòi hỏi nhiều thời gian và phải có những biện pháp áp dụng thích hợp vì họ đa phần là nông dân – là các chủ thể sản xuất đơn lẻ, là các hộ gia đình với phương thức sản xuất mang tính truyền thống, kỹ thuật giản đơn mang tính chất tích lũy kinh nghiệm. Thói quen của họ là tự quyết định đầu tư để mua sắm vật tư sản xuất như con giống, cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, trả công lao động,… Tất cả được thực hiện trong điều kiện thiếu thốn các dịch vụ cung ứng chuyên nghiệp. Chính những phương thức sản xuất như vậy đã không hấp dẫn các nhà đầu tư FDI làm ăn với nông dân ta. Vì thế, vấn đề mấu chốt ở đây là phải trang bị cho nông dân vốn kiến thức và hiểu biết nhất định về chất lượng, sản lượng của nguồn nguyên liệu nông sản trước khi chế biến và xuất khẩu, giảm dần tình trạng xuất thô và tạo lực đẩy cho việc phát triển các thương hiệu nông sản chất lượng cao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()