Nguồn vốn FDI đổ vào Mỹ Latinh tăng trở lại sau 5 năm suy giảm
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc cho biết FDI tăng trưởng trở lại trong năm 2018 là nhờ các khoản tín dụng liên công ty và dòng vốn tái đầu tư lợi nhuận.
Theo báo cáo được Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc công bố ngày 14/8, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đổ vào khu vực Mỹ Latinh trong năm 2018 đạt 184,287 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017 và đánh dấu lần tăng trưởng đầu tiên sau 5 năm suy giảm.
CEPAL cho biết FDI tăng trưởng trở lại trong năm 2018 là nhờ các khoản tín dụng liên công ty và dòng vốn tái đầu tư lợi nhuận.
Chế tạo và dịch vụ là hai lĩnh vực tiếp nhận nhiều vốn FDI nhất trong năm vừa qua, chiếm trên 60% tổng vốn, và lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên ghi nhận sự gia tăng nhẹ về nguồn vốn đầu tư.
Phần lớn vốn FDI đến từ các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ. Thống kê cho thấy, Brazil thu hút tới 48% (trên 88,3 tỷ USD) vốn FDI chảy vào khu vực; tiếp theo là Mexico (20%, 36,87 tỷ USD), Argentina (11,873 tỷ USD), Colombia (11,352 tỷ USD), Panama (6,578 tỷ USD) và Peru (6,448 tỷ USD).
Báo cáo của CEPAL cũng cho thấy nguồn gốc của các dòng vốn đầu tư chiếm một phần không nhỏ đến từ các nước thứ ba.
Thực tế này đặc biệt có liên quan trong trường hợp đầu tư của Trung Quốc, vốn thường không được thể hiện trong số liệu thống kê chính thức về dòng vốn FDI theo nguồn gốc.
Tuy nhiên, CEPAL cũng lưu ý rằng khi xem xét việc sáp nhập và mua lại công ty trong năm 2018, có thể thấy rằng các công ty Trung Quốc đã đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng và khai thác lithium trong khu vực.
Các thương vụ do các công ty châu Á thực hiện chiếm 20% tổng số vụ sáp nhập và mua lại diễn ra trong năm vừa qua tại khu vực, giảm 19% so với năm 2017./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()