Nguồn vốn địa phương góp sức giảm nghèo
LSO-Mặc dù còn khó khăn, nhưng trong những năm qua, UBND tỉnh đã luôn quan tâm chuyển vốn ngân sách ủy thác sang cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm. Cùng với nguồn vốn trung ương giao, nguồn vốn địa phương đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và nâng mức thu nhập cho nhiều hộ dân.
Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Đinh Thị Chầu ở thị trấn Cao Lộc |
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và một số huyện, từ năm 1995 đến nay, hàng năm, UBND tỉnh và huyện đã chuyển vốn ngân sách cho Ngân hàng phục vụ người nghèo trước đây và Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện nay để cho vay hộ nghèo và các dối tượng chính sách khác. Để quản lý có hiệu quả, UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương, chỉ đạo những sở, ngành liên quan như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính… trực tiếp phối hợp với Ngân hàng Chính sách tỉnh để triển khai thực hiện. Hàng năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách tỉnh phân bổ nguồn vốn phù hợp cho các huyện, thành phố và triển khai cho vay theo đúng các văn bản chỉ đạo của tỉnh, kế hoạch và hướng dẫn của Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Trung ương.
Ông Trần Việt Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách tỉnh cho biết: Để quản lý tốt nguồn vốn, Ban đại diện tổ chức họp định kỳ hàng tháng, quý và phân công các thành viên tham gia kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách vốn. Tại các cuộc họp, trưởng ban đại diện chỉ đạo sát sao, quyết liệt về nhiệm vụ, đánh giá cụ thể các chuyên đề về xử lý nợ xấu, củng cố sắp xếp tổ tiết kiệm và vay vốn… Trên cơ sở đó, chi nhánh có biện pháp cụ thể, phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội triển khai cho vay kịp thời, đúng đối tượng. Sau cho vay, chi nhánh phối hợp với các xã, phường, thị trấn, tổ chức chính trị xã hội nghiêm túc giám sát sử dụng vốn và quản lý vốn…
Qua những biện pháp trên, trong những năm qua, chi nhánh đã tổ chức giải ngân vốn thuận lợi, quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn. Tính đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách là 34,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 31,1 tỷ đồng, ngân sách các huyện 3 tỷ đồng; nguồn vốn cho vay hộ nghèo 26,5 tỷ đồng, cho vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 7,6 tỷ đồng. Với nguồn vốn trên, toàn tỉnh đã có 3.617 lượt hộ nghèo được vay vốn, hiện còn 1.220 hộ đang sử dụng vốn, bình quân cho vay đạt 21,6 triệu đồng/hộ; cho vay giải quyết việc làm 1.832 lượt khách hàng, hiện còn 424 dự án đang sử dụng vốn, mức bình quân đạt gần 18 triệu đồng/khách hàng. Nguồn vốn được sử dụng vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, mua giống, phân bón, kinh doanh dịch vụ…
Từ nguồn vốn ủy thác của địa phương, phong trào phát triển sản xuất hộ gia đình không ngừng lan rộng, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có thu nhập khá, thoát nghèo. Điển hình như: hộ Phùng Thị Mai, ở thôn Cây Sấu, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng sử dụng vốn vay 30 triệu đồng trồng rừng cây bạch đàn; hộ Nông Văn Tư, phố Điềm He, xã Văn An, huyện Văn Quan vay 30 triệu đồng phát triển chăn nuôi, đã thoát nghèo… Vốn giải quyết việc làm đã tạo việc làm mới cho 1.898 lao động, tạo thu nhập bình quân đầu người đạt mức 2 triệu đồng/người/tháng như dự án chăn nuôi lợn thịt, lợn nái của ông Lường Quang Sơn, Bản Chành, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình tạo việc làm ổn định cho 2 lao động…
Nguồn vốn sử dụng vào sản xuất trong những năm qua đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 2-3%/năm, tạo nhiều việc làm mới cho xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, củng cố trách nhiệm cộng đồng và sự tin tưởng của nhân dân với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn chiếm 18,2%, hộ cận nghèo 8,87%, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chuyển vốn ngân sách cho vay các đối tượng này. Qua đó, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()