Nguồn vốn 30a tạo sức bật cho huyện nghèo
Ngôi nhà của gia đình chị Lùng Thị Chích được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 30a. Sau gần bốn năm triển khai thực hiện Nghị quyết về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo của Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 30a), hiệu quả bước đầu của chính sách đã thể hiện rõ nét trên từng thôn, bản. Đến các huyện nghèo Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà của tỉnh Lào Cai hôm nay, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay từng ngày trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây.Giúp dân an cư, lạc nghiệpTừ quốc lộ 70, rẽ ngang quốc lộ 4D chừng hơn 50 km, chúng tôi đến với Mường Khương, một trong ba huyện nghèo thụ hưởng Chương trình 30a của tỉnh Lào Cai. Khác với tưởng tượng của chúng tôi về những ngôi nhà lụp xụp, chênh vênh trên núi, Mường Khương hiện dần lên qua những nếp nhà lợp mái khang trang, thấp thoáng xen kẽ là những đồi chè, vườn dứa, và những lò sấy cây thuốc lá. Những con đường trải nhựa, những khu dân cư...
Ngôi nhà của gia đình chị Lùng Thị Chích được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 30a. |
Giúp dân an cư, lạc nghiệp
Từ quốc lộ 70, rẽ ngang quốc lộ 4D chừng hơn 50 km, chúng tôi đến với Mường Khương, một trong ba huyện nghèo thụ hưởng Chương trình 30a của tỉnh Lào Cai. Khác với tưởng tượng của chúng tôi về những ngôi nhà lụp xụp, chênh vênh trên núi, Mường Khương hiện dần lên qua những nếp nhà lợp mái khang trang, thấp thoáng xen kẽ là những đồi chè, vườn dứa, và những lò sấy cây thuốc lá. Những con đường trải nhựa, những khu dân cư được sắp xếp lại với điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, sạch đẹp từ nguồn vốn 30a đã khiến cho trung tâm thị trấn Mường Khương như được khoác trên mình tấm áo mới.
Đón chúng tôi trong căn nhà gạch xây kiên cố rộng khoảng 60 m2, chị Lùng Thị Chích, dân tộc Nùng ở thôn Tùng Lâu có phần rụt rè, nhưng cũng không giấu được xúc động khi cho chúng tôi biết: Vì hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, một mình nuôi hai con nhỏ nên chị đã được xét duyệt hỗ trợ nhà theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chị tâm sự, Tết Nguyên đán Kỷ Sửu năm 2009 có lẽ là một trong những cái Tết đáng nhớ nhất đối với ba mẹ con chị. Đó là cái Tết đầu tiên chị và các con được đón giao thừa trong ngôi nhà được xây dựng khang trang, thay cho ngôi nhà cũ xiêu vẹo trước đó. Cùng chung hoàn cảnh và tâm trạng như chị Chích, anh Lù Đức Lèng, dân tộc Nùng, hàng xóm ngay sát vách nhà chị Chích, thật thà cho biết: “Nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát cảnh “ngăn vách, bịt mái”, mỗi khi trời mưa giá rét. Giờ đây có nhà vững chãi rồi, tôi không phải lo chống đỡ nhà nữa, chỉ phải lo làm để cho các con ăn học mà thôi”.
Là một trong những huyện đứng đầu về chỉ tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, ngay từ năm 2009, huyện Mường Khương đã hỗ trợ 543 nhà ở cho các hộ nghèo. Không chỉ giúp đồng bào an cư, vấn đề tạo công ăn việc làm, giúp bà con yên tâm lạc nghiệp cũng được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Chỉ về phía những lò sấy cây thuốc lá, Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Mạnh Nhà phấn khởi khoe: Nhờ nguồn vốn 30a, cơ cấu kinh tế nơi đây đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như vùng cây lương thực (lúa Séng Cù, ngô lai hàng hóa,…), vùng cây ăn quả (dưa, chuối),… và vùng cây nguyên liệu thuốc lá. Cùng với cây dứa, cây chè,… cây thuốc lá được bà con nơi đây gọi là cây xóa đói, giảm nghèo. Bí thư Nhà nhớ lại, năm 2010, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, vùng nguyên liệu thuốc lá đã được xây dựng với quy mô tổng diện tích hơn 500 ha. Ngoài ra, khoảng 900 lò sấy cũng đã được xây dựng trên toàn địa bàn với sự hỗ trợ kinh phí từ phía Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Lào Cai là 12 triệu đồng/lò, tạo nên một vùng chuyên canh trồng, sản xuất nguyên liệu thuốc lá tập trung, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con các dân tộc thiểu số.
Mường Khương là một huyện vùng cao biên giới với 231 thôn bản/16 xã, thị trấn, là nơi chung sống của 14 dân tộc anh em. Trong đó, chiếm phần lớn là các dân tộc Mông, Nùng,… Từ năm 2009 đến nay, huyện Mường Khương được hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 30a. Theo đó, tổng vốn đầu tư cho địa phương tính đến thời điểm này đạt gần 199 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn từ Chương trình 30a do Chính phủ cấp là hơn 156,8 tỷ đồng và nguồn vốn ủng hộ của Ngân hàng VDB chi nhánh Lào Cai là gần 42 tỷ đồng. Bí thư Giàng Mạnh Nhà cho biết: Nguồn vốn này thật sự là cơ hội lớn, tạo nền tảng và động lực để huyện nghèo như Mường Khương xóa đói, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững
Đánh giá về Chương trình 30a, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng cho biết: Thành công bước đầu khi thực hiện Nghị quyết 30a tại ba huyện nghèo Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các bộ, ngành, các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương. Đó là sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh, sự phát huy nội lực của huyện và sự trợ giúp của các đơn vị, doanh nghiệp. Đặc biệt, ở đây phải kể đến sự hỗ trợ nhiệt tình từ vật chất đến tinh thần của Ngân hàng VDB chi nhánh Lào Cai và Tổng Công ty Thép Việt Nam, hai đơn vị nhận đỡ đầu cho các huyện nghèo của tỉnh Lào Cai. Riêng VDB chi nhánh Lào Cai trong sáu tháng đầu năm 2012 đã hỗ trợ tín dụng với tổng số vốn đã cho vay các dự án trên địa bàn là 352 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lào Cai, trong ba năm qua (2009 – 2011), ba huyện nghèo của tỉnh Lào Cai đã nhận được sự đầu tư của Nhà nước bố trí từ các chương trình dự án với nguồn vốn lên tới hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Chương trình 30a đạt hơn 420 tỷ đồng. Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Lào Cai Phạm Văn Tỵ cho biết: Sau gần 4 năm triển khai thực hiện chương trình, bộ mặt các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai đã chuyển biến tích cực: tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 13%, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện với 100% các xã có điện lưới quốc gia, có trạm y tế xã, có đường ô-tô đến trung tâm xã; 90% thôn bản có đường liên thôn; hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới cho 85% diện tích đất ruộng; 80% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm…
Tuy nhiên theo đồng chí Phạm Văn Tỵ, quá trình thực hiện Nghị quyết 30a tại địa phương cũng nảy sinh một số khó khăn, tồn tại: Công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết tuy đã triển khai nhưng hiệu quả thấp, một số nơi người dân chưa biết được đầy đủ các chính sách và mục tiêu đề ra. Việc giao kế hoạch vốn chưa bảo đảm tính thời vụ của một số loại cây trồng nên ảnh hưởng đến việc thực hiện hỗ trợ cho mùa vụ; giá vật tư cây trồng chưa cập nhật so giá thị trường nên việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Về xuất khẩu lao động, do phần lớn lao động có trình độ văn hóa thấp nên chưa đáp ứng yêu cầu ở những thị trường lao động cao như Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Do đó, để triển khai có hiệu quả Chương trình 30a trong thời gian tới, đặc biệt đáp ứng tiêu chí giảm nghèo nhanh, bền vững đúng theo yêu cầu mà chương trình đặt ra, đồng chí Phạm Văn Tỵ đề xuất: Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn để bà con tiếp cận, nắm bắt nhanh các thông tin về lao động, việc làm, xuất khẩu lao động; Gắn việc thực hiện Nghị quyết 30a với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; Thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, chính sách hỗ trợ 50% lãi suất thương mại cho các hộ trong phát triển sản xuất, ngành nghề; nhất là tiếp tục vận động, kêu gọi và tiếp nhận các nguồn ủng hộ theo cam kết của các đơn vị, doanh nghiệp…
Theo Nhandan
Ý kiến ()