LSO-Cũng như các ngành kinh tế – xã hội khác, hoạt động du lịch (HĐDL) luôn gắn liền với yếu tố dân cư – lao động. Hay nói cách khác, nguồn lực con người giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển DL ở mỗi quốc gia, mỗi địa phương, trong đó có Lạng Sơn.
Con người tạo ra nguồn khách cho thị trường DL (tạo ra cầu), cung ứng nguồn nhân lực cho HĐDL (cung). Đồng thời con người cũng góp phần quyết định một môi trường DL tốt hoặc xấu. Nhận thức được điều này, trong quá trình phát triển DL, Lạng Sơn luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển DL tỉnh nhà.
Lạng Sơn có trên 73 vạn dân, với vị trí tiếp giáp Quảng Tây, Trung Quốc và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo đã thu hút du khách đến với Lạng Sơn ngày càng đông hơn. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu DL cũng gia tăng. Giao thông vận tải phát triển đã đáp ứng nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi để thỏa mãn nhu cầu DL của người dân trong và ngoài tỉnh.
|
Lạng Sơn đón khách du lịch bằng giấy thông hành Ảnh: Trí Dũng |
Với những lợi thế đó, thời gian qua, ngành DL Lạng Sơn luôn quan tâm đầu tư khai thác tài nguyên, xây dựng cơ sở vật chất – hạ tầng và đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực phục vụ DL. Năm 2009, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch đã kiện toàn và bổ sung đội ngũ cán bộ công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về DL. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 170 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch – dịch vụ với số lượng lớn lao động tham gia. Các ngành chức năng có sự phối hợp chặt chẽ để quản lý các doanh nghiệp và giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi DL trong và ngoài nước. Đồng thời công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ quản lý DL, hướng dẫn viên (HDV), nhân viên trực tiếp phục vụ khách DL cũng được chú trọng đầu tư. Sở thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ DL cho cán bộ quản lý và nhân viên trong ngành. Năm qua đã có 7 lượt cán bộ và nhân viên của các doanh nghiệp lữ hành được cử tham gia các lớp tập huấn; 2 HDV đi tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ DL tại Quảng Tây, Trung Quốc. Qua đó, người lao động có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quản lý và kinh doanh DL.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế như: Tỉ lệ HDV đạt tiêu chuẩn thấp hơn so với yêu cầu (15%), không đủ điều kiện để hướng dẫn khách theo quy định hiện hành; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch chưa đồng đều, tính chuyên nghiệp chưa cao. Điều này đòi hỏi sự quan tâm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và sự nỗ lực của bản thân người lao động.
Trước thực tế đó, năm 2010 Sở Văn hóa, thể thao & Du lịch tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh sớm ban hành những chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương; kết hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, mở lớp liên thông từ thấp đến cao, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn DL, buồng, bàn khách sạn và đặc biệt là ngoại ngữ cho những người lao động trực tiếp phục vụ khách và các lớp tập huấn kỹ năng quản lý cho đội ngũ lãnh đạo các công ty lữ hành và chủ các cơ sở kinh doanh du lịch – dịch vụ; tiếp tục cử cán bộ quản lý và nhân viên nghiệp vụ tham gia các khóa tập huấn do Hiệp hội DL Việt Nam, Tổng cục DL tổ chức. Đồng thời quan tâm đến công tác tuyên truyền về lợi ích từ hoạt động du lịch cho cộng đồng dân cư tại địa phương, để người dân hiểu và có hành vi, thái độ ứng xử đúng đắn tạo ra một môi trường DL tốt, thực sự ấn tượng đối với du khách khi đến và khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Xứ Lạng.
Ý kiến ()