Nguồn lực dự trữ quốc gia được sử dụng hiệu quả, tạo niềm tin cho nhân dân
Những năm qua, ngành dự trữ nhà nước (DTNN) luôn là công cụ tài chính hữu hiệu của Chính phủ trong quá trình điều hành, phát triển bền vững của đất nước; không chỉ đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống, khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh mà còn góp phần tích cực thực hiện bảo đảm an sinh xã hội…
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập ngành, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã có cuộc trao đổi với phóng viên về hoạt động và những nhiệm vụ của ngành DTNN cần thực hiện trong thời gian tới.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong nhiều năm qua ngành DTNN luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ “tích cốc phòng cơ” Đảng và Nhà nước giao. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của ngành DTNN trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong suốt chiều dài lịch sử, ngành DTNN luôn khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Ngành DTNN đã luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành DTNN đã góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, chi viện lương thực, vật tư, thiết bị, phương tiện… cho chiến trường miền nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Hòa bình lập lại, ngành DTNN cũng có nhiều đóng góp lớn trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, phát triển đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác dự trữ được sắp xếp, đổi mới, bảo đảm hoạt động dự trữ quốc gia vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt trong những năm gần đây, hệ thống DTNN đã có những bước chuyển tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, năng động trong thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Tổng cục DTNN đã nỗ lực tham mưu giúp Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia (DTQG), trong đó phải kể đến việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Từ cơ sở pháp lý ban đầu là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay ngành DTNN đã có Luật DTQG, tạo hành lang pháp lý giúp cho công tác quản lý DTQG ngày càng hiệu quả. Ngoài ra, Tổng cục đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hai đề án quan trọng mang tính chiến lược.
Đó là: Đề án Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030; Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, Tổng cục đã tham mưu xây dựng kế hoạch DTQG 5 năm và hằng năm, kịp thời trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn mua bù hàng DTQG đã xuất cấp. Quy mô và mức DTQG ngày càng được nâng lên, trải đều trên tám vùng kinh tế trong cả nước, góp phần chủ động đáp ứng kịp thời công tác cứu trợ, hỗ trợ đột xuất, cấp bách do thiên tai, dịch bệnh,… gây ra. Hệ thống kho DTNN được xây dựng, nâng cấp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về quản lý hàng DTQG.
Phóng viên: Bên cạnh tình hình thiên tai khó lường, dịch Covid-19 đã tác động đến mọi hoạt động kinh tế – xã hội, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ trưởng, đây cũng là thời điểm cho thấy những dấu ấn của công tác xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ các địa phương và người dân?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Ngành DTNN đã cho thấy được vai trò quan trọng của mình khi tham mưu cho Chính phủ kịp thời xuất cấp vật tư, thiết bị, lương thực, hóa chất khử trùng, khử khuẩn,… để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ công tác an sinh xã hội. Hằng năm, ngành DTNN đã xuất cấp hàng trăm nghìn tấn lương thực, hàng nghìn nhà bạt, phao cứu sinh, hàng triệu liều vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho động vật nuôi, hàng chục tấn giống cây trồng các loại, hàng trăm nghìn lít thuốc sát trùng và phương tiện tiêu tẩy khử trùng…
Đồng thời, còn thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao như: xuất gạo hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia dự án trồng rừng, hỗ trợ các địa phương dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, góp phần thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Hàng DTQG đã xuất cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, vận chuyển kịp thời đến các địa phương. Nguồn lực DTQG được sử dụng, phát huy có hiệu quả trong việc hỗ trợ cho nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tạo được sự tin tưởng và đánh giá cao của nhân dân.
Phóng viên: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay, Tổng cục DTNN cần có những giải pháp gì để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có nhiều phức tạp, thiên tai, lũ lụt diễn biến bất thường, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn khó lường. Do đó, ngành DTNN phải tập trung đánh giá tốt tình hình và dự báo, tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính để chuẩn bị lực lượng DTQG đủ mạnh và xây dựng các kịch bản ứng phó khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra; quản lý hiệu quả hàng DTQG, xuất cấp kịp thời đúng mục tiêu, đúng đối tượng, chất lượng tốt.
Phát huy những kết quả đạt được, Tổng cục DTNN cần tiếp tục tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách DTQG, trong đó trọng tâm là xây dựng Chiến lược DTQG giai đoạn 2020 – 2030; xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống mạng lưới kho DTQG giai đoạn 2021 – 2030 hiện đại, tiên tiến thích ứng tình hình hiện tại và tương lai. Phối hợp các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện danh mục hàng DTQG trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đáp ứng yêu cầu quản lý.
Chủ động dự trữ hàng hóa bảo đảm cung cấp kịp thời, đáp ứng tình hình và nhiệm vụ đặt ra, đặc biệt trong tình hình đại dịch Covid-19 và thiên tai còn diễn biến khó lường. Chú trọng công tác tổ chức cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTNN chuyên sâu, chuyên nghiệp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Năm 2021 là năm kỷ niệm 65 năm thành lập ngành DTNN, tôi tin tưởng với truyền thống đoàn kết cùng sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống, nhất định ngành DTNN sẽ hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Ý kiến ()