Nguồn lực để hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững
Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để mở rộng sản xuất. Ngoài các quy định chặt chẽ, dư nợ cho vay thấp, thì năng lực sản xuất, kinh doanh, thiếu chủ động cung cấp thông tin về tình hình tài chính… cũng trở thành lực cản trong tiếp cận nguồn vốn của các HTX. Việc đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn được xem là “chìa khóa” để giúp nhiều HTX phát triển bền vững.
Hợp tác xã nông nghiệp Định Thủy thế chấp tài sản của thành viên để vay vốn mua sắm thiết bị máy móc hoạt động. |
Vốn là một trong những nguồn lực cơ bản cho sự phát triển của HTX. Ngoài việc huy động nguồn vốn tự có của các thành viên, từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thì nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại được cho là vô cùng cần thiết để các HTX mở rộng sản xuất.
Thủ tục vay vốn khó khăn
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2021, tổng dư nợ cho vay đối với các HTX nông nghiệp đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, chỉ có 7.000 HTX được vay vốn từ quỹ tín dụng; 3,7% số HTX tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng.
Trong đó, chỉ có khoảng 45 HTX nông nghiệp được vay ưu đãi từ quỹ tín dụng phát triển. Con số này được cho là đã tăng lên đáng kể trong năm 2022, tuy nhiên vẫn chưa giải được “cơn khát” thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất tại các HTX hiện nay.
Dây chuyền sản xuất của Hợp tác xã Chế biến và kinh doanh hải sản Hoa Linh Chi (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). (Ảnh HŨU TRUNG) |
Tại tỉnh Bến Tre có 145 HTX nông nghiệp và một liên hiệp HTX nông nghiệp với 33.781 thành viên, tổng vốn điều lệ 56,714 tỷ đồng. Số HTX tiếp cận được vốn tín dụng rất ít, trong khi nhu cầu vốn khá lớn. HTX nông nghiệp Định Thủy, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) là một trong số ít đơn vị tiếp cận được các nguồn vốn vay để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, bản thân HTX không thể tự vay vốn do không có tài sản để thế chấp.
HTX có tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp từ một ngân hàng nhưng có rất nhiều khó khăn về báo cáo tài chính, thuế… cho nên không đáp ứng được điều kiện vay vốn từ phía ngân hàng.
Để tháo gỡ khó khăn này, tôi và một thành viên hội đồng quản trị cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay với tư cách cá nhân rồi cho HTX mượn lại.
Tuy nhiên, chỉ vay được 800 triệu đồng cho nên phải vận động tất cả thành viên trong HTX vay tín chấp mỗi người vài chục triệu đồng mới có số vốn 1,5 tỷ đồng để mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng…
TRẦN VĂN ĐẠT
Giám đốc HTX nông nghiệp Định Thủy
Hiện tại, HTX nông nghiệp Định Thủy có 141 thành viên với 500ha dừa. Hoạt động kinh doanh của HTX chủ yếu là cung ứng dừa nguyên liệu cho doanh nghiệp. Tổng số vốn thành viên góp chỉ 500 triệu đồng, mới đây HTX phải tiếp tục vận động các thành viên góp vốn khoảng 2 tỷ đồng để có vốn thu mua dừa nguyên liệu.
Ở Hà Tĩnh, theo nhiều giám đốc HTX, yêu cầu về tài sản thế chấp quy định trong quy chế cho vay đầu tư của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được UBND tỉnh ban hành khiến nhiều HTX gặp khó.
Thực tế, giai đoạn 2020-2022 có đến 99% tài sản bảo đảm tiền vay ở Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là bất động sản của các thành viên, bất động sản của Giám đốc HTX, cho nên việc xác định số người đồng sở hữu, năng lực hành vi dân sự thực hiện rất mất thời gian, làm cho quá trình cho vay bị kéo dài ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, phát triển sản xuất.
Đa dạng các nguồn vốn cho HTX
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, thực tiễn hoạt động Quỹ đầu tư thời gian qua cho thấy, việc tìm kiếm dự án an toàn, hiệu quả để đầu tư cho vay đang gặp khó khăn.
Các HTX phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu chiến lược và kế hoạch kinh doanh, nhất là thiếu giải pháp sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn, thiếu thị trường bền vững cho tiêu thụ sản phẩm, năng lực quản lý HTX còn hạn chế, cán bộ kế toán một số HTX không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về tài chính kế toán cho nên số liệu quá sơ sài, sổ sách lập không đúng quy định đã ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra, thẩm định của cán bộ Quỹ…
Nhằm giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, Chính phủ đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách tín dụng trong cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các nghị định sửa đổi, bổ sung…
Tình trạng HTX nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay là do tỷ lệ sử dụng nguồn vốn hiệu quả của các HTX còn thấp. Hiện tại, phần lớn HTX nông nghiệp của tỉnh tổ chức các dịch vụ chủ yếu phân phối lợi ích trực tiếp cho thành viên sử dụng dịch vụ khiến kết quả sản xuất, kinh doanh hằng năm của HTX không có lãi nhiều, thậm chí lỗ hoặc bằng không.
Hiện tại có khoảng 40% số HTX nông nghiệp hoạt động chưa có lãi.
HUỲNH QUANG ĐỨC
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án trọng điểm, mang tính đột phá hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hai bên cam kết đẩy mạnh tín dụng trong nông nghiệp nhất là tăng nguồn dư nợ đầu tư cho HTX.
Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, trong 5 năm trở lại đây, dư nợ đầu tư nông nghiệp, nông thôn đã tăng gần gấp 2 lần (hơn 400 nghìn tỷ đồng), luôn được duy trì từ 65 đến 70% tổng vốn đầu tư của Agribank. Trong đó, cho vay Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã triển khai đến 100% số xã thực hiện xây dựng nông thôn mới (gần 8.300 xã) với doanh số cho vay hơn 4 triệu tỷ đồng, dư nợ hiện nay là hơn 611 nghìn tỷ đồng với gần 2,2 triệu khách hàng.
Ngoài ra, cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (Quyết định 63, 65, 68 của Thủ tướng Chính phủ) với doanh số đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng, dư nợ hiện nay hơn 500 tỷ đồng với 2.583 khách hàng (chủ yếu đầu tư máy móc sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng hơn 60% dư nợ).
Cùng với nguồn vốn từ Agribank, các địa phương cũng nỗ lực bổ sung nguồn vốn vào Quỹ đầu tư để cho các HTX vay. Năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp cho Quỹ đầu tư 2,5 tỷ đồng, năm 2022 cấp 5 tỷ đồng.
Còn tại tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bến Tre Nguyễn Thanh Phương cho biết: “Ước đến cuối năm 2022, tổng doanh số cho vay của tổ chức tín dụng đối với HTX trên địa bàn đạt hơn 6 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam phân bổ chỉ tiêu vốn cho tỉnh Bến Tre là 7 tỷ đồng từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trung ương, để hỗ trợ cho các HTX vay. Hiện tại, nhu cầu vốn của các HTX khá lớn nhưng tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận cho nên rất ít HTX được vay vốn”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan bố trí nguồn vốn thực hiện Quyết định số 1804 về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; quan tâm phân bổ vốn hằng năm để triển khai thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, nhất là nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất theo Nghị định 98 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu cơ chế, chính sách để các HTX được hỗ trợ về đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hướng dẫn, hỗ trợ HTX tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam và các nguồn vốn khác để các HTX tiếp cận nâng cao hiệu quả hoạt động…
Số HTX nông nghiệp trong cả nước “khát” vốn đầu tư hiện đang rất lớn. Thiếu vốn, HTX không thể đầu tư sâu cho chế biến mà chỉ có thể tập trung thu gom. Năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX vì thế sẽ thấp dần, dẫn đến việc hạn chế xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản và nhiều hạn chế khác. Vì vậy, đa dạng hóa các nguồn vốn cho HTX sẽ góp phần giúp các HTX nông nghiệp phát triển bền vững.
Nguồn:https://nhandan.vn/nguon-luc-de-hop-tac-xa-nong-nghiep-phat-trien-ben-vung-post758757.html
Ý kiến ()