Nguồn cung dịch vụ logistics ở Hà Nội vẫn còn thiếu
Đó là kết luận được đưa ra tại hội nghị bàn về thực trạng và giải pháp phát triển dịch vụ logistics (dịch vụ vận tải, làm thủ tục hải quan, dịch vụ kho bãi, giao nhận hàng hóa…) do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 27/8.
Bà Trần Thị Phương Lan phát biểu tại hội nghị (Ảnh: K.D) |
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong 5 năm qua, quy mô của các trung tâm logistics nhỏ, chỉ đủ khả năng phục vụ doanh nghiệp trong tỉnh, thành phố, chưa phục vụ được doanh nghiệp theo vùng, theo ngành kinh tế. Bên cạnh đó, nhân lực chưa được đào tạo chính quy, nhiều doanh nghiệp chưa đủ khả năng áp dụng các biện pháp hiện đại quản lý các hoạt động logistics, tính liên kết giữa các trung tâm yếu. Mặt khác, hệ thống pháp luật liên quan đến dịch vụ logistics yếu, ngành chưa có cơ quan chủ quản, chưa có quy hoạch, định hướng để phát triển.
Ông Trần Nguyên Năm – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ, nguồn cung logistics chủ yếu tới từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia với cách thức tổ chức và hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân chưa có khả năng cung cấp dịch vụ logistics chất lượng cao, vì thế khả năng cạnh tranh thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước hiện chiếm khoảng 20% số lượng các nhà cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhóm doanh nghiệp tư nhân chiếm số lượng lớn nhưng thị phần của họ chỉ chiếm gần 20% thị trường dịch vụ logistics. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng phát triển ngành cung ứng dịch vụ logistics, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động logisics còn chồng chéo, thiếu tính ổn định… ảnh hưởng tới sự phát triển dịch vụ logistics.
Trước thực trạng trên, để phát triển dịch vụ logistics, Sở Công Thương Hà Nội đã kiến nghị thành phố cần có những chính sách hỗ trợ, tập trung ưu tiên đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ ngành dịch vụ này. Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển khu vực dịch vụ đồng bộ, toàn diện, tạo điều kiện phát triển ngành logistics. Bản thân các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố cũng cần phải nâng cao quy mô, năng lực cung cấp dịch vụ với chất lượng và chi phí thấp để cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, các ý kiến phát biểu tại hội nghị cũng cho rằng Hà Nội cần thành lập một tổ chức liên ngành cấp thành phố, đảm nhiệm việc tư vấn pháp luật, chính sách quản lý và phát triển ngành dịch vụ logistics thành phố. Đồng thời, xây dựng quy chế quản lý hoạt động logistics trên địa bàn thành phố trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước phù hợp với Thủ đô, chú trọng khâu quản lý doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Trước mắt, thành phố cần xây dựng đề án phát triển ngành logistics đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể và kế hoạch hành động chi tiết từng thời kỳ nhằm xây dựng Hà Nội thành trung tâm logistics của cả nước.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()