Nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật
70 năm đã trôi qua, nhưng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn tiếp tục xuất hiện trong các tác phẩm văn học, hội họa, điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc…, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ trong nước và quốc tế.
Nguồn cảm hứng ấy bắt nguồn và bắt đầu ngay trên mặt trận Điện Biên Phủ. Nhà nhiếp ảnh Triệu Đại được biên chế vào thê đội 1, đơn vị xung kích trực tiếp đánh các cứ điểm của địch.
Những bức ảnh vô giá ông chụp 70 năm trước công bố tại triển lãm “Bản hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ngày 3/5 vừa qua cho thấy, ống kính máy ảnh của ông đã theo sát ngay phía sau các chiến sĩ xung kích trên đồi Him Lam, đánh đồi A1, phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng trên nóc hầm De Castries và bắt sống toàn bộ Bộ Tham mưu quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Cùng với nhiếp ảnh, có một “Bản hùng ca bằng âm nhạc về Điện Biên Phủ”. Tận mắt chứng kiến nỗi gian nan, vất vả của hàng trăm chiến sĩ gò lưng kéo những khẩu trọng pháo nặng hàng tấn, kéo vào rồi lại kéo ra, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác ngay bài hát “Hò kéo pháo”.
Đứng trên cứ điểm Him Lam, nơi bộ đội ta nổ những phát súng đầu tiên tiến công vào tập đoàn cứ điểm, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết ngay bài hát “Trên đồi Him Lam” - một ca khúc sôi sục lòng căm thù giặc, hừng hực khí thế chiến đấu và tình đồng đội.
Sau đó 56 ngày, vào đêm 7/5/1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã thức trắng đêm để hoàn thành ca khúc “Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Bài hát này không chỉ vang lên trong những ngày mừng chiến thắng Điện Biên mà còn vang vọng tới tận hôm nay.
Cùng với nhiếp ảnh, âm nhạc, hội họa cũng tham gia vào bản hùng ca Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các họa sĩ Huy Toàn, Ngô Mạnh Lân, Phạm Thanh Tâm và nhiều họa sĩ khác… khi ấy mới ngoài 20 tuổi, nhưng đã vẽ hàng nghìn ký họa (sau này nhiều trong số đó trở thành tác phẩm hoặc đã là tác phẩm), ghi lại hình ảnh chân thực của bộ binh, pháo binh, dân công, quân y, văn công, nhà báo ngay tại trận địa.
Cùng các họa sĩ trẻ, có các danh họa của nền mỹ thuật Việt Nam tham gia chiến dịch như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng… Những ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân sáng tác trước khi hy sinh là hình ảnh mẫu mực của bậc danh họa để lại cho hậu thế.
Đông đảo nhất có lẽ là đội ngũ các nhà văn, nhà thơ, nhà báo; hầu hết họ là những cán bộ, chiến sĩ quân đội, trực tiếp cầm súng và cầm bút. Nhiều chiến sĩ Điện Biên năm ấy đã trở thành những tên tuổi của văn học nước nhà sau này như: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Mai, Hồ Phương, Dũng Hà, Trần Đình Vân…
Nhà văn Trần Dần đã viết tiểu thuyết “Người người lớp lớp” ngay tại mặt trận. Chỉ hai tháng sau ngày toàn thắng, tác phẩm này đã ra đời, trở thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chính Hữu viết tác phẩm ”Giá từng thước đất”: “Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo dội/Ta mới hiểu thế nào là đồng đội… Ngã trên dây thép ba tầng/Một bàn tay chưa rời báng súng/Chân lưng chừng nửa bước xung phong/Ôi những con người mỗi khi nằm xuống/Vẫn nằm trong tư thế tiến công!”.
Mỗi một bài thơ, ca dao, truyện ngắn, mẩu tin đều trở thành món ăn tinh thần cổ vũ, thúc giục người chiến sĩ xông lên giết giặc lập công.
Chín năm kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ của chiến tranh cách mạng.
Nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi thì, văn học nghệ thuật của chúng ta ra đời trong kháng chiến, phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem lại cho văn học, nghệ thuật một sức sống mới. Nhiều tác phẩm nghệ thuật cần có độ lùi về thời gian đã nối tiếp nhau ra đời từ nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Năm 1963, danh họa Nguyễn Sáng vẽ kiệt tác sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, thấm đẫm chất anh hùng ca và được đánh giá là không tác phẩm hội họa nào về đề tài này có thể sánh được.
Năm 2013, bức tranh ấy được công nhận là bảo vật quốc gia. 67 năm sau Ngày chiến thắng (năm 2021) nhóm tác giả do họa sĩ Nguyễn Văn Mạc chủ trì đã hoàn thành bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”, lập kỷ lục tranh toàn cảnh về độ hoành tráng, là tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật mỹ thuật, hội họa, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc. Tác phẩm này được đánh giá là một đỉnh cao của nghệ thuật hội họa Việt Nam đương đại.
Phong phú nhất thuộc về lĩnh vực âm nhạc. Nhiều ca khúc, tổ khúc, giao hưởng hợp xướng đã tiếp tục ra đời lấy cảm hứng từ Điện Biên Phủ. Trong đó, đáng chú ý nhất là “Tiến bước dưới quân kỳ”của nhạc sĩ Doãn Nho (sáng tác năm 1958 trên đồi A1, Điện Biên Phủ).
Bên cạnh những chiến sĩ Điện Biên tiền bối đã xuất hiện thế hệ chiến sĩ trẻ “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi/nhắc tới chiến công ngàn năm xưa…”. Đó là đội quân “Giữ vững hòa bình dựng xây tương lai/chân trời mới sáng ngời quân ta đi”, tiếp nối truyền thống bách chiến bách thắng từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài hát này đã trở thành một trong 10 bài hát truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ở lĩnh vực văn học, nhiều tác phẩm về Điện Biên Phủ đã ra đời: Người tù binh da đen (Nguyễn Đình Thi); Đột phá khẩu (Vũ Cao); Cao điểm cuối cùng, Hoa ban đỏ, Điện Biên Phủ thời gian và không gian (Hữu Mai); Lá cờ chuẩn đỏ thắm (Hồ Phương); Phía bên kia núi (Xuân Sách); Người lính Điện Biên kể chuyện (Đỗ Ca Sơn); Chuyện ở đồi A1 (Nguyễn Tân)…
Đặc biệt là, bộ hồi ký “Đường tới Điện Biên Phủ” và “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Hữu Mai thể hiện), có giá trị như một sử thi. Điều đáng mừng là hôm nay, có thêm nhiều cây bút trẻ tiếp tục sáng tác về Điện Biên Phủ, như nhà văn trẻ Phan Đức Lộc với tập truyện “Mùa ban thay áo”.
Nguồn cảm hứng “Điện Biên Phủ” cũng đã cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh ấn tượng như: Hoa ban đỏ (đạo diễn Bạch Diệp); Ký ức Điện Biên (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn); Sống cùng lịch sử (đạo diễn Thanh Vân)…, hay các bộ phim tài liệu Cột mốc vàng Điện Biên Phủ (đạo diễn Đặng Xuân Hải); Hùng ca Điện Biên (đạo diễn Nguyễn Quang Quyết)…, mang đến những góc nhìn khác nhau, từ nhiều phía về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Điện Biên Phủ còn trở thành đề tài của các nhà làm phim nước ngoài. Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương kể lại: Đạo diễn người Pháp Pierre Schoendoerffer, tác giả bộ phim Điện Biên Phủ vốn là một cựu chiến binh tại tập đoàn cứ điểm.
Ông đã chia sẻ tâm huyết khi làm bộ phim này: “Nếu tôi làm bộ phim này, nhân dân Việt Nam không hài lòng thì tôi sống cũng như chết. Nếu bộ phim này được nhân dân Việt Nam yêu mến, tôi sẽ rất hạnh phúc để giã từ cuộc đời này”. Điện Biên Phủ đã làm thức tỉnh ông về hòa bình, độc lập, tự do và cái giá của đội quân xâm lược phải trả.
70 năm đã trôi qua, nguồn cảm hứng sáng tạo mang tên Điện Biên Phủ cho các văn nghệ sĩ sẽ còn được tiếp nối, làm nên những tác phẩm ca ngợi cuộc đấu tranh của các dân tộc yêu hòa bình, độc lập, tự do và chỉ ra một tất yếu: “Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Ý kiến ()