Người Việt tại Thái Lan đón Tết trong mùa dịch
Với mỗi người Việt Nam, ngày Tết cổ truyền của dân tộc luôn là dịp lễ đặc biệt, để lại những dấu ấn khó quên. Điều này càng trở nên đặc biệt hơn với những người con xa quê hương, khi mà không khí tất bật, hối hả của những ngày cuối năm đang cận kề, họ càng thêm khắc khoải nhớ sắc mai vàng rực rỡ, những cành đào đỏ thắm và trên hết là cảm giác được cùng nhau quây quần bên gia đình, bè bạn. Tuy nhiên, khi mà dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, những mong mỏi về một ngày Tết đầm ấm ngày càng trở nên khó thực hiện hơn.
Dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng lên các hoạt động kinh tế, đời sống của người dân ở nhiều nơi trên thế giới cũng như tại Thái Lan, đất nước của du lịch. Trong thời kỳ dịch bệnh. nhiều bà con Việt Kiều đang sinh sống và làm ăn tại Thái Lan cũng đang phải tìm cách chuyển đổi hình thức kinh doanh, vượt qua khó khăn nhằm ứng phó với đại dịch.
Người Việt sinh sống tại Thủ đô Bangkok phần lớn hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ nên khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, các hộ kinh doanh đều chịu tác động lớn về doanh thu. Khi đó, chính quyền Bangkok đã áp dụng nhiều quy định nghiêm ngặt để kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh, trong đó có việc cấm kinh doanh nhiều loại hình dịch vụ. Nếu như thời kỳ trước dịch có khoảng 95% doanh thu mỗi ngày là từ nguồn khách trực tiếp tới nhà hàng nay 100% doanh thu đều do việc bán hàng qua các ứng dụng gọi đồ ăn online.
Bà An Khánh, Chủ nhà hàng Phở Việt ở thủ đô Bangkok cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều cơ sở kinh doanh của bà đã phải đóng cửa theo quy định của Chính phủ Thái Lan và hoạt động kinh doanh của bà hiện giờ chủ yếu thông qua các ứng dụng gọi đồ ăn online, tuy nhiên số lượng đặt hàng không thể bằng khi khách trực tiếp đến sử dụng dịch vụ. Nếu như trước đây 70% doanh thu của quán chủ yếu đến từ khách du lịch nước ngoài thì nay đã bị sụt giảm nghiêm trọng khi các đường bay bị đóng cửa, không có du khách nước ngoài tới Thái Lan. Thậm chí, việc chuyển đổi hình thức kinh doanh online cũng chỉ mang lại 30% doanh thu so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trước tình hình khó khăn mà dịch bệnh mang lại, các hộ kinh doanh của người Việt tại Thái Lan cũng đã nhanh nhạy ứng phó và thực hiện thay đổi hình thức kinh doanh nhằm duy trì hoạt động cũng như tạo công ăn việc làm cho nhân viên. Anh Minh Đông, Quản lý nhà hàng Phở Vân ở thủ đô Bangkok cho biết, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm do các lệnh giãn cách xã hội, nhà hàng đã nỗ lực chuyển đổi, đưa ra nhiều biện pháp để thu hút khách hàng. Ngoài việc bán hàng qua kênh online, tạo ra nhiều món mới để hấp dẫn khách hàng, Phở Vân còn mở rộng hoạt động kinh doanh, mở thêm một số cửa hàng để tăng phạm vi bán hàng, bù đắp lượng khách bị sụt giảm. Từ hai cửa hàng ban đầu, sau đợt bùng phát dịch đầu tiên, thương hiệu Phở Vân giờ đây đã có thêm bốn cửa hàng mới tại các trung tâm thương mại lớn trong thành phố. Từ đó, tạo thêm thu nhập, thêm công ăn việc làm và duy trì mức thu nhập ổn định cho người lao động.
Sau một thời gian khống chế được dịch bệnh, các lệnh giãn cách được dỡ bỏ, những tưởng các hoạt động kinh doanh của bà con sẽ dần cải thiện thì đến cuối năm 2020, một đợt dịch mới lại bùng phát, Chính phủ Thái Lan tiếp tục áp đặt các hạn chế để kiểm soát dịch. Tuy nhiên, nhờ những kinh nghiệm đã thu được từ đợt bùng phát dịch lần đầu, các hộ kinh doanh người Việt tin tưởng vẫn có thể vượt qua thời điểm khó khăn này. Anh Minh Đông cho biết, đến nay, hoạt động kinh doanh của Phở Vân đã hồi phục được khoảng 85% so với thời kỳ trước dịch. Tỷ lệ khách đến cửa hàng cũng đã tăng lên đáng kể, hiện chiếm tới 65% so với khoảng 35% khách mua hàng trực tuyến. Trong thời gian tới, Phở Vân sẽ tập trung vào thu hút khách hàng nội địa là chủ yếu, giảm phụ thuộc vào du khách nước ngoài và khách người Việt.
Còn bà An Khánh cũng khẳng định mặc dù dịch Covid-19 có thể sẽ còn kéo dài, tình hình vẫn còn khó khăn như hiện tại, nhưng bà vẫn sẽ tiếp tục duy trì việc hoạt động kinh doanh để phục vụ bà con với hy vọng rằng tình hình sẽ ngày càng tốt hơn.
Tạm gác lại những lo toan về những khó khăn mà đại dịch mang lại, anh Đông cho biết, khi mà không khí ngày Tết cổ truyền dân tộc cận kề, anh cũng như nhiều người con Việt Nam xa quê hương đều mong mỏi về một bữa cơm đầm ấm bên gia đình, bạn bè. Anh cho biết, năm nay quán sẽ tổ chức gói bánh chưng và mời những người con Việt Nam xa xứ tới dự một bữa tiệc tất niên để giúp họ vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương, đất nước và hi vọng về một năm mới tốt lành, một năm mới mà mọi thứ sẽ trở lại bình thường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()