Người trồng na gặp khó do mưa lũ
– Từ đầu tháng 5/2022, mưa lớn đã ảnh hưởng đến diện tích trồng na của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chi Lăng. Nhiều người trồng na đang đứng trước nguy cơ mất trắng trong vụ na năm 2022.
Vườn na của người dân tại thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ bị héo, chết do mưa lũ
Đợt mưa lớn ngày 9/5/2022 tại địa bàn huyện Chi Lăng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây na.
Tại vườn na của gia đình ông Hoàng Văn Choóc, thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, trong số 500 cây na đang độ tuổi cho thu hoạch, có gần 300 cây đã bị vàng lá và héo, chết. Những cây còn lại cũng chỉ lác đác có 3 đến 4 quả. Trước khi xảy ra mưa lũ, gia đình ông đã thực hiện tỉa thưa, bón phân cho cây. Tuy nhiên, mưa lớn đã cuốn trôi hầu như toàn bộ phân bón, đất màu khiến cây na không còn đủ các điều kiện dinh dưỡng, sinh trưởng.
Ông Choóc cho biết: “Toàn bộ diện tích này từ giờ cũng không thể trồng cây nữa. Giải pháp duy nhất chỉ có thể khai hoang diện tích núi đá tại khu vực khác, cải tạo đất và thực hiện trồng mới lại toàn bộ”.
Cùng với hộ ông Choóc, hàng chục hộ khác trong thôn cũng đứng trước nguy cơ mất mùa na. Các hộ này đều có từ 200 – 300 cây na bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Cùng lý do trên, ông Vi Văn Giang, người trồng na tại thôn Làng Nong, xã Thượng Cường cho biết: Gia đình có khoảng 500 cây na trong độ tuổi thu hoạch. Thông thường vào thời điểm này, vườn na đã kết trái với đường kính mỗi quả đạt khoảng 1 – 3 cm. Năm nay, mưa lớn khiến na không thể thụ phấn, tỷ lệ đậu quả thấp. Không chỉ đứng trước nguy cơ mất trắng, gia đình tôi còn thiệt hại gần 20 triệu đồng tiền phân bón, vật tư đã đầu tư vào vườn na.
Ông Hoàng Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Cường cho biết: Hiện nay, xã có trên 110 ha na, phần lớn trong số đó nằm trên các khu vực núi đá. Trong đó, diện tích na tập trung tại 2 thôn Làng Nong và Quán Hàng. Theo thống kê sơ bộ, xã có trên 1 ha na bị thiệt hại nặng do mưa lũ và cần tiến hành trồng mới. Bên cạnh đó, hầu hết diện tích na của bà con trong xã bị cuốn trôi phân bón và đứng trước nguy giảm mạnh về năng suất.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chi Lăng, toàn huyện có 50 ha na bị ảnh hưởng do mưa lũ. Diện tích trên nằm ở các xã như Chi Lăng, Mai Sao. Nguyên nhân chủ yếu là do các khu vực này thuộc địa hình có độ dốc lớn và gần các dòng chảy khi xảy ra mưa lớn. Với lượng mưa lớn như vừa qua, các dòng chảy đã cuốn trôi đất màu, phân bón. Bên cạnh đó, thời điểm xảy ra mưa lớn đang là lúc người dân thực hiện thụ phấn nhân tạo. Mưa lớn khiến việc thụ phấn đạt hiệu quả rất thấp, dẫn đến việc không đậu quả.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Do đầu tháng 5 có lượng mưa quá lớn, diện tích cây na tại một số xã, thị trấn trên địa bàn đã bị ảnh hưởng. Trước tình trạng trên, chúng tôi đã khuyến cáo người dân nên thực hiện biện pháp tỉa thưa lá và bón phân bổ sung để nhanh chóng phục hồi cho cây. Đồng thời, tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng mới một số diện tích na theo đúng quy trình kỹ thuật để khôi phục sản xuất.
Theo khuyến cáo của phòng chuyên môn, để ngăn ngừa tình trạng xói mòn, ngập úng trong những vụ na tiếp theo, người dân nên tận dụng cây cỏ, cây khô để tủ vào gốc cây quanh năm. Đồng thời, nên xếp đá xung quanh gốc cây để ngăn đất trôi trong thời điểm diễn ra mưa lớn hằng năm. Ngoài ra, cần chú trọng tạo các đường, rãnh thoát nước đối với vườn na.
Chi Lăng là một trong hai huyện có diện tích na lớn nhất tỉnh. Năm 2022, diện tích na của huyện đạt khoảng 2.000 ha. Trước thực tế trên, các cấp, ngành cần sớm xây dựng, tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm hướng dẫn bà con trồng mới cây na. Đối với các hộ có diện tích na bị ảnh hưởng nặng không thể tiếp tục canh tác, ngành chức năng cần hướng dẫn bà con mở mới diện tích trồng, đồng thời, hướng dẫn bà con cách cải tạo, xử lý đất. Từ đó, góp phần giúp người trồng na phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.
Ý kiến ()