Người trồng khoai lang Lộc Bình: Cần chủ động tận dụng “cơ hội vàng”
– Việc sản phẩm khoai lang của Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã mở ra “cơ hội vàng” cho người trồng khoai lang trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và tại huyện Lộc Bình nói riêng. Tuy vậy, để có thể xuất khẩu, người trồng khoai lang cần chủ động chuẩn bị các điều kiện để tận dụng cơ hội này.
Diện tích khoai lang trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.340 ha, sản lượng đạt khoảng 9.000 tấn/năm, trong đó, huyện Lộc Bình duy trì khoảng 500 ha, sản lượng đạt từ 3.800 – 4.000 tấn/năm. Từ năm 2018, sản phẩm khoai lang của huyện Lộc Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Lộc Bình”.
Lãnh đạo huyện Lộc Bình và các phòng chức năng liên quan kiểm tra mô hình trồng khoai lang tại thôn Pò Lèn – Pá Ôi, thị trấn Lộc Bình
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Việc đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể là một lợi thế cho sản phẩm khoai lang Lộc Bình khi thực hiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu, sở đã gửi văn bản đề nghị chính quyền các huyện, thành phố, trong đó đặc biệt là huyện Lộc Bình rà soát, tổng hợp vùng trồng, cơ sở đóng gói khoai lang có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trên cơ sở đó, sở chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn triển khai hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng, đồng thời thực hiện kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như thực hiện giám sát vùng trồng.
Tuy nhiên, để có thể được cấp mã số vùng trồng thì người trồng khoai lang trên địa bàn huyện Lộc Bình cần nhanh chóng thực hiện một số điều kiện khác. Trong đó, việc cần làm ngay là liên kết với doanh nghiệp hoặc chủ động thành lập hợp tác xã.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình cho biết: Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, phòng đã liên hệ với một số doanh nghiệp để xem xét hợp tác liên kết với các hộ trồng khoai lang trên địa bàn. Cùng với đó, để đáp ứng được các yêu cầu, huyện cũng đang thực hiện tuyên truyền, vận động các hộ trồng liên kết với nhau để thành lập hợp tác xã, từ đó hướng đến xây dựng hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng. Song song với đó, Phòng NN&PTNT huyện sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn có diện tích trồng khoai lang lớn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật trồng khoai lang cho nông dân.
Được biết, từ khi có thông tin khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bà con nông dân trồng khoai lang trên địa bàn huyện Lộc Bình đều rất phấn khởi. Theo đó, chính quyền các xã có diện tích trồng khoai lang lớn, cùng với các hộ trồng khoai lang đã tổ chức họp, bàn, trao đổi về hướng thành lập hợp tác xã để bước đầu đủ điều kiện thiết lập hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, chính quyền các xã cũng vận động bà con tiếp tục duy trì diện tích khoai lang vào vụ trồng tới đây để đảm bảo đủ diện tích đáp ứng theo quy định về vùng trồng.
Để khoai lang Lộc Bình đảm bảo các điều kiện xuất khẩu, ngoài việc xin cấp mã số vùng, cơ sở đóng gói sản phẩm…, cơ quan quản lý Nhà nước, ngành nông nghiệp từ tỉnh đến huyện Lộc Bình cần tiếp tục hỗ trợ các hộ trồng khoai lang từ khâu chọn giống đảm bảo đến kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thực hiện giám sát vùng trồng, thực hiện các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật…; phối hợp với ngành nông nghiệp, công thương tìm, liên kết với các doanh nghiệp lớn, nhất là tìm đối tác khách hàng từ Trung Quốc để hợp tác liên kết ngay từ khâu tiêu thụ và thực hiện các bước để thực hiện xuất khẩu.
Theo số liệu của UBND huyện Lộc Bình, năm 2022, tổng giá trị từ khoai lang thu được hơn 36 tỷ đồng. Đây là giá trị khá lớn đối với một sản phẩm nông sản, khi sản phẩm khoai lang Lộc Bình được xuất khẩu chính ngạch giá trị sản phẩm đặc sản của huyện biên giới này sẽ còn gia tăng.
Ngày 9/11/2022, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã gửi Nghị định thư đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục xem xét sản phẩm khoai lang của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Sau quá trình kiểm tra và thực hiện các thủ tục, ngày 3/4/2023, phía Trung Quốc thông báo đồng ý cho sản phẩm khoai lang của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường nước này. Khoai lang được xuất sang Trung Quốc phải được sản xuất tại Việt Nam và không dùng mục đích làm giống; vùng trồng khoai lang phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); vùng trồng, cơ sở đóng gói phải được sự giám sát thường xuyên của cơ quan chuyên ngành; khoai lang sau khi đóng gói phải được bảo quản ở khu riêng biệt, không để chung với khoai lang xuất khẩu sang thị trường khác; trên bao bì đóng gói phải có tiếng Anh và tiếng Trung ghi rõ về tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký; khoai lang xuất khẩu phải thực hiện lấy mẫu kiểm tra kiểm dịch thực vật của cơ quan chuyên ngành;… |
Ý kiến ()