Không chỉ mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới trong việc chưng cất tinh dầu hồi. Năm nay, có rất nhiều hộ dân tại thị tứ Điềm He, huyện Văn Quan đã đầu tư hệ thống sấy khô hoa hồi, việc làm này đã góp phần nâng cao chất lượng hoa hồi khô, đặc biệt việc sấy hoa hồi sẽ làm giảm tỷ lệ thất thoát của tinh dầu hồi. Cách làm mới đã góp phần nâng cao chất lượng hoa hồi khô, chính điều này đã làm giá hoa hồi khô năm nay tăng cao (35.000 đồng/kg hoa hồi khô). Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Quan cho biết, đến thời điểm này, người trồng hồi đã ý thức được giá trị kinh tế của cây hồi hơn hẳn nhiều cây trồng khác. Giá của 1 kg hoa hồi hiện nay gấp khoảng 5 lần 1 kg gạo và gấp 10 lần 1 kg ngô. Năm nay hồi mang lại thu nhập cao cho bà con nên họ đã chủ động tìm hiểu, học hỏi và ứng dụng khoa học mới cho việc trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản hồi.
LSO-Huyện Văn Quan là “vựa” hồi lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn. Theo ước tính của ngành nông nghiệp thì vụ hồi vừa qua (vào tháng 10 năm nay) đã cho năng suất cao nhất so với những năm qua, đạt hơn 1 tấn hồi tươi/ha. Những xã có sản lượng hồi đạt từ 300 đến 500 tấn và có chất lượng tốt là Yên Phúc, Vân Mộng, Tân Đoàn… Không chỉ sản lượng tăng và chất lượng hoa hồi năm nay cũng cao hơn.
Đóng gói hoa hồi khô để xuất khẩu
“Đạt được kết quả này là do mấy năm nay bà con trồng hồi đã mạnh dạn ứng dụng khoa học mới vào việc cải tạo đất, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch hoa hồi…”, bà La Thị Huyền, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Quan cho biết. Theo bà Huyền, diện tích cây hồi ở huyện Văn Quan hiện có khoảng 8.000 ha, giảm so với thời điểm năm 2005. Tuy vậy, việc diện tích cây hồi giảm chưa hẳn đã là câu chuyện buồn vì giống hồi cao trước đây nay cũng không còn cho hoa hồi nhiều nữa. Diện tích giảm là do bà con chủ động chặt bỏ những diện tích hồi đã lão hóa để chuẩn bị trồng mới giống hồi thấp với năng suất cao. Trong 3 năm qua, trung bình mỗi năm, người dân trồng mới khoảng 100 ha và hoàn toàn là giống hồi thấp. Năm 2012 chính là năm người dân thu lợi từ thành quả của việc mạnh dạn cải tạo rừng hồi, thống kê nhanh thì năm nay sản lượng hồi toàn huyện Văn Quan đạt trên 6.000 tấn.
Không chỉ mạnh dạn trong việc áp dụng khoa học mới vào việc trồng, chăm sóc và thu hoạch hoa hồi, một số hộ dân tại huyện Văn Quan đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc, công nghệ mới vào việc sơ chế hoa hồi. Đặc biệt, có một vài hộ ở xã Yên Phúc còn mạnh dạn đầu tư cả máy chưng cất tinh dầu hồi. Ông Hoàng Kiên, người đi đầu trong việc đầu tư máy móc chưng cất tinh dầu hồi quy mô nhỏ tại xã Yên Phúc cho biết, nhiều năm qua đầu ra cho sản phẩm hoa hồi rất bấp bênh, chính vì thế khiến giá hồi cũng lên xuống thất thường, có thời điểm giá xuống quá thấp khiến người trồng hồi không còn mặn mà với chính loại cây thế mạnh của địa phương. Nhằm vực dậy “thương hiệu” của loại hoa hồi có chất lượng tinh dầu tốt nhất ở Việt Nam, ông Kiên đã mạnh dạn liên hệ với Sở KH&CN, tìm hiểu, học hỏi và mua một hệ thống máy chưng cất tinh dầu hồi về để chưng cất tinh dầu với mong muốn giữ được vị thế cho hồi Văn Quan.
Trao đổi về việc người dân trồng hồi đã và đang mạnh dạn ứng dụng khoa học vào việc trồng, chăm sóc và cả chưng cất tinh dầu hồi, lãnh đạo Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết, từ năm 2010, ngành đã xây dựng dự án khoa học “cải tạo rừng hồi năng suất thấp” và tiến hành thí điểm trên địa bàn huyện Văn Quan. Ngoài ra, ngành cũng đã lắp đặt một hệ thống chưng cất tinh dầu tại đây. Chính với những bước làm như vậy là góp phần thay đổi tư duy của người trồng hồi tại Văn Quan. Theo tiến sỹ Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN, việc thiết kế hệ thống chưng cất tinh dầu hồi quy mô nhỏ cũng không phải là ngoại lệ. Tuy vậy, để chất lượng tinh dầu hồi đạt cao nhất thì bà con nên tiến hành các thí nghiệm nhằm xác định các đặc tính của nguyên liệu quả hồi cũng như các thông số của quá trình chưng cất tinh dầu hồi. Theo kết quả trước đây, các thông số của quy trình công nghệ chưng cất tinh dầu hồi đã được xác định: thời gian cất kiệt: 480 phút đối với quả hồi nghiền nhỏ, 750 phút đối với quả hồi cán dập và 960 phút đối với quả hồi để nguyên; tỷ lệ khối lượng phù hợp giữa nguyên liệu và dung môi là 1/8,5 – 1/11,5, phụ thuộc vào kích thước xử lý mẫu; tốc độ chưng cất được xác định từ 3 – 5 ml dịch ngưng/phút. Ngoài ra, bà con nên biết rằng, tất cả các bộ phận của cây hồi đều có mùi thơm của tinh dầu. Như vậy, về mặt lý thuyết thì bộ phận nào của cây hồi cũng có thể sử dụng làm nguyên liệu để chưng cất tinh dầu. Song, trên thực tế, hầu như 100% sản lượng tinh dầu hồi sản xuất ở nước ta đều được chưng cất từ quả. Hiện một số hộ dân ở huyện Văn Quan chưng cất tinh dầu hồi bằng hơi nước ở áp suất thường. Kết quả của những đợt khảo sát vừa qua cho thấy, các loại hình thiết bị chưng cất hiện đang được người dân ở đây sử dụng là muôn hình muôn vẻ, các thông số kỹ thuật để chưng cất tinh dầu hồi cũng rất khác nhau, ở mỗi địa phương có một kiểu chưng cất riêng. Do vậy, cơ sở cho việc tính toán và thiết kế bất kỳ một loại hình thiết bị chế biến nào cũng đều phải dựa trên những số liệu cụ thể về đặc điểm của nguyên liệu đầu vào và các thông số cơ bản của quy trình công nghệ chế biến.
Không chỉ mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới trong việc chưng cất tinh dầu hồi. Năm nay, có rất nhiều hộ dân tại thị tứ Điềm He, huyện Văn Quan đã đầu tư hệ thống sấy khô hoa hồi, việc làm này đã góp phần nâng cao chất lượng hoa hồi khô, đặc biệt việc sấy hoa hồi sẽ làm giảm tỷ lệ thất thoát của tinh dầu hồi. Cách làm mới đã góp phần nâng cao chất lượng hoa hồi khô, chính điều này đã làm giá hoa hồi khô năm nay tăng cao (35.000 đồng/kg hoa hồi khô). Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Quan cho biết, đến thời điểm này, người trồng hồi đã ý thức được giá trị kinh tế của cây hồi hơn hẳn nhiều cây trồng khác. Giá của 1 kg hoa hồi hiện nay gấp khoảng 5 lần 1 kg gạo và gấp 10 lần 1 kg ngô. Năm nay hồi mang lại thu nhập cao cho bà con nên họ đã chủ động tìm hiểu, học hỏi và ứng dụng khoa học mới cho việc trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản hồi.
Trí Dũng
Ý kiến ()