Người trở về từ vùng dịch cúm A(H7N9) phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh
Ngày 6/3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có thông báo về tình hình dịch cúm A(H7N9) cho biết Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông tin về một trường hợp nhiễm mới cúm A(H7N9) tại Hồng Kông (Trung Quốc)
Đây là trường hợp được ghi nhận nhiễm bệnh ngoài lãnh thổ Hồng Kông và trở về từ Trung Quốc. Bệnh nhân là bé gái 18 tháng tuổi, sống tại Hồng Kông và có đi du lịch với mẹ tới Quảng Đông (Trung Quốc).
Nguy cơ dịch cúm xâm nhập vào nước ta là rất cao. |
Trong thời gian ở Quảng Đông (từ 5 – 27/2), bệnh nhân cùng mẹ tới khu vực chợ. Sau khi về Hồng Kông, bệnh nhân bắt đầu khởi phát bệnh. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân gồm người thân, khách du lịch đi cùng, cán bộ y tế nơi bệnh nhân nằm điều trị đang được theo dõi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tính từ tháng 3/2013 đến nay, ghi nhận 380 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), 116 trường hợp tử vong. Các ca mắc ghi nhận tại 18 tỉnh/thành phố (Trung Quốc có 15 tỉnh/thành phố, Đài Loan, Hồng Kông và Malaysia).
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết nguy cơ dịch cúm xâm nhập vào Việt Nam là rất cao. Do đó, các nhân viên cửa khẩu đã phải kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ thông qua máy đo thân nhiệt từ xa. Người trở về từ vùng dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Cần đến ngay cơ sở y tế khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở.
Đối với người du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A(H7N9) không nên đi đến khu vực giết mổ gia cầm; tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm; không nên tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng…
Theo CPV
Ý kiến ()