Người trẻ trước thách thức “xâm lăng văn hóa” - Bài 3: Đổi mới nhưng không “đổi màu”
Tựa vào văn hóa truyền thống để đổi mới, sáng tạo
Có thể khẳng định rằng, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, thế hệ trẻ ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận, hưởng thụ, thỏa sức khám phá những giá trị văn hóa đa dạng. Một tín hiệu lạc quan là rất nhiều bạn trẻ ngày nay khẳng định tình yêu cội nguồn bằng cách lấy văn hóa truyền thống của dân tộc làm nền tảng để đổi mới, sáng tạo. Việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ nhân rộng những mô hình khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng văn hóa truyền thống, lan tỏa giá trị văn hóa Việt tới cộng đồng quốc tế phù hợp với xu thế hiện đại được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để tổ chức đoàn và các ngành chức năng quan tâm đẩy mạnh, qua đó giúp thế hệ trẻ thêm yêu, trân trọng, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy truyền thống, chống lại sự “xâm lăng văn hóa”.
Thực tiễn thời gian gần đây, nhiều người trẻ biết tựa vào văn hóa truyền thống để làm nguồn cảm hứng thăng hoa sáng tạo. Ở lĩnh vực âm nhạc, nhiều nghệ sĩ trẻ mạnh dạn khai thác, biến tấu những chất liệu dân gian, tạo ra những tác phẩm gây tiếng vang. Đó là “Chiếc khăn piêu” mang âm hưởng Tây Bắc, được phối khí theo phong cách nhạc jazz; hình tượng “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, rồi cô Tấm, nàng Mị, Thúy Kiều đi vào âm nhạc đương đại. Sự kết hợp giữa sẩm, rap và nhạc điện tử, rồi nhạc cụ trên sân khấu chèo và hát văn xuất hiện trong dàn nhạc giao hưởng. Những tín hiệu đáng mừng trong hoạt động văn học-nghệ thuật biểu diễn nêu trên là minh chứng bản sắc văn hóa Việt đang thấm sâu vào giới trẻ.
Trong ngành mỹ thuật, một số họa sĩ trẻ nổi lên như những gương mặt tiên phong làm mới dòng tranh dân gian bằng mỹ thuật ứng dụng đương đại. Lĩnh vực thời trang cũng không thiếu những câu chuyện thú vị chứng minh cho tình yêu cội nguồn văn hóa của lớp người Việt Nam trẻ tuổi. Nhiều nhóm bạn trẻ đam mê tìm hiểu về trang phục truyền thống và mong muốn tái hiện văn vật của nước Việt Nam xưa đã thành lập các trang thông tin, fanpage được đầu tư cả về hình ảnh lẫn nội dung, thu hút đông đảo sự hưởng ứng, tương tác. Từ đây, rất nhiều dự án tìm hiểu về cổ phục Việt và phục dựng trang phục cổ truyền đã tạo ra tác động rất lớn tới cộng đồng. Nhiều bạn trẻ sử dụng Việt phục như một trang phục trong sinh hoạt thường ngày như đi dạo phố, tham quan các di tích lịch sử, hay trong những ngày lễ, tết, cưới hỏi…
Ảnh minh họa: TTXVN |
Nhìn sang các lĩnh vực chứa đựng chiều sâu văn hóa Việt Nam như ẩm thực, du lịch… cũng trở thành phương tiện hữu hiệu để các bạn trẻ quảng bá, giới thiệu văn hóa dân tộc ra thế giới. Không chỉ dừng lại ở tình yêu và niềm đam mê, nhiều người trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống. Nhiều kênh YouTube, trang web được các bạn trẻ xây dựng cung cấp nội dung phong phú, hấp dẫn về các món ăn truyền thống, di tích, thắng cảnh, văn hóa dân tộc các vùng miền của Việt Nam… Đặc biệt, nhiều di sản, di tích lịch sử được người trẻ giới thiệu, quảng bá sinh động thông qua các nền tảng số bằng ngôn ngữ tiếng Việt và nhiều thứ tiếng nước ngoài, thu hút đông đảo lượt xem và chia sẻ.
Công chúng hiện tại rất ưa thích cái mới, ủng hộ sáng tạo và ứng dụng công nghệ, sẵn sàng trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ chứa đựng các yếu tố văn hóa. Điển hình như Di tích Nhà tù Hỏa Lò với hệ thống thuyết minh tự động, không gian trưng bày online, tham quan trực tuyến trên hai nền tảng Spotify và Apple Podcasts, đặc biệt là “tour đêm” trải nghiệm tái hiện qua nhiều hoạt cảnh kết hợp với hiệu ứng âm thanh và ánh sáng đánh thức mọi cung bậc cảm xúc của du khách, tạo sức hút rất mạnh mẽ và trở thành một sản phẩm du lịch rất hấp dẫn ở Hà Nội.
Việt Nam có tiềm năng to lớn trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa. Chúng ta có một kho tàng văn hóa vô giá với hàng chục nghìn di tích lịch sử-văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, thắng cảnh, lịch sử cách mạng; hàng nghìn truyền thuyết gắn với từng giai đoạn lịch sử; hàng nghìn lễ hội dân gian, lịch sử và tôn giáo; hàng nghìn làng nghề và làng có nghề truyền thống; hàng trăm trò chơi dân gian; hàng chục loại hình diễn xướng truyền thống… Cùng với đó là y học cổ truyền, nghệ thuật ẩm thực, trang phục truyền thống, phong tục, tập quán… Nền văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, đặc sắc và nhân bản của Việt Nam là mảnh đất hứa hẹn đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam còn chưa được khai thác, hoặc khai thác ở quy mô nhỏ lẻ, ở tầng nấc bên ngoài chứ chưa đi vào chiều sâu. Điều này đồng nghĩa với việc còn rất nhiều dư địa để những người trẻ khai phá, lựa tìm và đầu tư sáng tạo.
Bày tỏ quan điểm về sự quan tâm của giới trẻ đối với văn hóa truyền thống, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, chúng ta đã và đang phát triển được rất nhiều sản phẩm văn hóa mang lại giá trị cao, đặc biệt là trên các nền tảng số, rất nhiều trong số đó là của những bạn trẻ. Ngày càng nhiều sản phẩm văn hóa “made in Việt Nam” phát triển mạnh mẽ trên nhiều nền tảng, nhất là công nghệ số, tạo dựng được niềm tin, sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Trên mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm dạng phim ngắn, series phim ngắn, phim sitcom do các bạn trẻ sản xuất với những tình huống thú vị, mang lại nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống; những sản phẩm phim đồ họa 3D, 4D, hoạt hình hấp dẫn, giới thiệu về các triều đại lịch sử của dân tộc; các phong tục, tập quán, lễ hội Việt Nam; những video trải nghiệm văn hóa, phong tục, tập quán, ẩm thực…
Tận dụng công cụ có sẵn trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều bạn trẻ xây dựng và thành công với việc quảng bá những sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương trên không gian mạng. Những ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của thanh niên tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và gặt hái thành công bước đầu. Thông qua đó, không chỉ góp phần quảng bá giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới mà còn tạo nên những giá trị kinh tế to lớn từ các sản phẩm văn hóa.
Trong “cơn lốc” của văn hóa ngoại lai, nhiều ý kiến bày tỏ trăn trở rằng, lớp trẻ sẽ bị cuốn trôi và quên đi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự lo lắng ấy là có cơ sở bởi một bộ phận người trẻ thiếu nhận thức, bản lĩnh, bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Thế nhưng nhìn vào thực tiễn, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào vai trò, ý thức, trách nhiệm của thanh niên đối với sứ mệnh giữ gìn, phát huy, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa trường tồn của dân tộc.
Bên cạnh hệ thống giải pháp về cơ chế, chính sách, tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa, việc giáo dục cái hay, cái đẹp của văn hóa Việt Nam cần được đẩy mạnh ngay từ các bậc học phổ thông, ở các tổ chức đoàn, hội, đội cũng như trong toàn xã hội, giúp người trẻ có nền tảng tri thức về văn hóa và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, biết tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm vốn văn hóa truyền thống nước nhà.
Phát huy nội lực, siết chặt quản lý
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 xóa nhòa những ranh giới địa lý khiến sự giao lưu của con người về mọi mặt, trong đó có văn hóa, trở nên nhanh hơn, dễ dàng hơn rất nhiều. Bối cảnh của thế giới kết nối cũng khiến cho việc quản lý, bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống chưa theo kịp. Với thực tế hiện nay cùng vị trí rất quan trọng của văn hóa-một lĩnh vực được xác định mang tầm quan trọng ngang với kinh tế, chính trị, xã hội-cần những giải pháp chấn chỉnh kịp thời và hiệu quả hơn, không thể xuề xòa, “bắt cóc bỏ đĩa”, bởi nếu cứ để tình trạng “xâm lăng văn hóa” kéo dài sẽ là sự nguy hại rất lớn đối với đất nước và thế hệ tương lai.
Nhìn rộng ra thì việc gìn giữ, củng cố nền tảng văn hóa không chỉ là yêu cầu cấp thiết đối với nước ta mà với các quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc… việc phát huy văn hóa bản địa, bảo vệ văn hóa trước các tác động tiêu cực cũng không hề bị lơ là. Cụ thể như phiên điều trần vừa qua của CEO TikTok tại Quốc hội Mỹ kéo dài 5 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa đủ thuyết phục các nhà lập pháp của Hoa Kỳ để nền tảng chia sẻ video hoạt động tự do như trước. Còn tại Anh, cơ quan quản lý dữ liệu nước này mới phạt TikTok 12,7 triệu bảng Anh vì để hơn 1,4 triệu trẻ em dưới 13 tuổi ở nước này sử dụng TikTok mà không có sự đồng ý của người lớn. Australia, New Zealand, châu Âu và các nước châu Á gồm Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh cũng cấm một phần hoặc hoàn toàn nền tảng TikTok. Tại Trung Quốc, “phong sát” trở thành nỗi khiếp sợ của những nghệ sĩ vi phạm pháp luật hay có những hành xử gây ảnh hưởng xấu đến xã hội…
Theo lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cơ quan chức năng đang đấu tranh yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải có những ứng dụng dành riêng cho trẻ em. Một biện pháp mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm rất quyết liệt là ngăn chặn dòng tiền đến với các kênh độc hại. Tất cả những kênh đăng tải nội dung độc hại sẽ bị tắt chế độ tìm kiếm, tắt chế độ tặng quà hay nhận vật phẩm ảo.
Ngày 31-3-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 512/QĐ-BTTTT về việc ban hành kế hoạch hành động cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong thực hiện việc quản lý người nổi tiếng trên mạng; từ tháng 10-2023 sẽ hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục. Tháng 9-2023, thí điểm giám sát, kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam. Từ tháng 12-2023, tiến hành điều hướng dòng tiền quảng cáo xuyên biên giới vào các cơ quan báo chí chính thống, các nền tảng nội dung số, website, các kênh, tài khoản đã được cấp phép hoặc có đăng ký hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông (quảng cáo trên white list, chặn quảng cáo black list).
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ duy trì thường xuyên việc đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới chặn, gỡ thông tin xấu độc với tỷ lệ đáp ứng cao (90-95%), thời gian xử lý dưới 24 giờ; khóa các trang, kênh vi phạm nghiêm trọng; phát triển thuật toán để chặn hiệu quả các quảng cáo sai sự thật; gỡ các game không phép trên Google Store và Apple Store…
Bên cạnh dọn dẹp lại một môi trường văn hóa tiêu cực, việc ươm mầm phát triển cho không gian văn hóa với bản sắc riêng, phát huy nội lực bằng những tác phẩm điện ảnh có chất lượng, cùng với những hoạt động của các cơ quan an ninh trong đấu tranh ngăn chặn các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tấn công trên các lĩnh vực văn hóa là việc làm bức thiết. Những giải pháp ngăn chặn tán phát sản phẩm văn hóa nước ngoài độc hại cần được quyết liệt, ráo riết triển khai, không để những “rác phẩm” này tán phát trên không gian mạng và thẩm thấu vào tâm trí người trẻ. Ngoài hệ thống giải pháp trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chống “xâm lăng văn hóa” thì việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, siết chặt quản lý dịch vụ nền tảng xuyên biên giới, hạn chế và tiến tới ngăn chặn triệt để các sản phẩm văn hóa độc hại thẩm lậu vào Việt Nam là giải pháp cần được chú trọng phát huy.
Nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Cốt lõi của vấn đề vẫn nằm ở ý thức và trách nhiệm công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phải thực sự khẳng định bản lĩnh để chống lại nguy cơ bị đồng hóa văn hóa, bị hòa tan trong quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ này.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/nguoi-tre-truoc-thach-thuc-xam-lang-van-hoa-bai-3-doi-moi-nhung-khong-doi-mau-tiep-theo-va-het-740135
Ý kiến ()