Người trẻ ở Bắc Hà trở về với văn hóa truyền thống
Nhiều bạn trẻ người dân tộc Tày, Mông (Bắc Hà, Lào Cai) đã tìm về với văn hóa truyền thống để vừa khai thác phục vụ du lịch, vừa bảo tồn những nét đẹp của cha ông để lại.
Đầu tư làm du lịch homestay từ năm 2019, nhưng vừa gây dựng thì dịch Covid-19 diễn ra, khách chưa có đều, trồi sụt, và sang đến giữa năm 2021 thì gần như không đón được khách vì giãn cách xã hội, gia đình chị Vàng Thị Thông (xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, Lào Cai) đã quyết định thay toàn bộ mái lợp nhà fibro xi măng cũ bằng lá cọ theo cách truyền thống như nhiều thế hệ trong gia đình chị từng làm. “Lá cọ một phần tôi lấy trên rừng trong những chuyến đi nương, một phần mua của người ta trồng, cũng rẻ thôi. Mua lá về rồi cả gia đình tự lợp, có các anh chị em trong thôn, trong các đội, nhóm cùng hỗ trợ lợp nhà” – chị chia sẻ.
Lá cọ xanh rờn, theo lời gia đình chị Thông, lợp mái từ khi lá còn xanh là truyền thống của người Tày ở Bản Liền. Lá xanh đó, trải qua mưa nắng, chỉ ngả màu chứ không hề bị mục nát, có tuổi thọ tới 20 năm trở ra. Đặc biệt, lá cọ làm mát nhà vào mùa hè và giúp giữ ấm căn nhà khi mùa đông tới. Ngày lợp nhà, cả xóm kéo vào giúp gia đình chị. Đặc biệt, công việc trèo lên mái buộc những tàu lá cọ lên lại là do những người phụ nữ ở đây thực hiện, cũng là một truyền thống đáng quý của người Tày ở Bản Liền, mà không phải ở đâu cũng có.
Nhà chị Vàng Thị Thông là một trong số những gia đình đã quyết định lựa chọn yếu tố truyền thống, bền vững thay cho hiện đại, nhạt nhòa bản sắc cho chính ngôi nhà của gia đình mình. Truyền thống giữ gìn bản sắc lâu nay của người Tày ở Bản Liền, cùng với sự thay đổi về tư duy, về hiểu biết, đã phần nào giúp cho mảnh đất này trở nên quyến rũ hơn, với những câu chuyện “trở về với cuội nguồn” nho nhỏ như thế.
Chị Vàng Thị Thông cũng là một thành viên trong đội múa dân tộc ở Bản Liền, một đội văn nghệ khá nổi tiếng đối với khách du lịch tham quan chợ đêm Bắc Hà khi còn mở cửa đều đặn trước đại dịch. Trước đây, nhóm tự phát tập trung lại với nhau, mặc dù có biểu diễn những bài hát, điệu múa truyền thống của người Tày, nhưng họ vẫn sử dụng đạo cụ, trang thiết bị âm thanh hiện đại.
Từ khi có dự án của Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn CRED vào hỗ trợ làm du lịch, những hướng dẫn của dự án đã làm tư duy của người dân ở đây thay đổi. Đội văn nghệ sử dụng toàn bộ nhạc cụ mộc, không dùng loa đài điện tử, biểu diễn bằng trang phục truyền thống của mình. Trước đây, khi chợ đêm Bắc Hà còn tổ chức vào cuối tuần, tối nào cả đội cũng lên biểu diễn tại chợ, cách nhà khoàng 30 km. Những âm thanh và cách biểu diễn mộc mạc của họ đã thu hút sự chú ý của nhiều du khách, đến mức nhiều người khi xin tư vấn tại các diễn đàn du lịch Bắc Hà đã hỏi có đội văn nghệ Bản Liền biểu diễn ở chợ đêm hay không?
Lý Vần Sồ, thanh niên thế hệ 9x, người Mông bí thư chi bộ thôn Bản Phố 2 kiêm Phó Chủ tịch hội nông dân xã, từ hai năm nay cũng đã áp dụng mô hình du lịch homestay tại nhà. Căn nhà của Sồ khang trang sạch sẽ, và bản thân chàng trai 9x này cũng có nhiều sáng kiến trong trang trí nhà cửa, sáng tạo các món ăn theo phương thức truyền thống của người Mông để thu hút du khách. Nhà Sồ đôi khi cũng là điểm sinh hoạt của Câu lạc bộ khèn Mông của thị trấn Bắc Hà, khai thác những điệu khèn truyền thống, vừa để phục vụ du lịch, vừa để giữ gìn truyền thống cha ông để lại.
Điểm đặc biệt nhất của homestay nhà Sồ là khi khách có yêu cầu, anh sẽ cùng với cha và các bác, chú mình tái hiện một số tập tục, lễ cúng truyền thống của người Mông, trong đó có lễ Lý cửa.
Chị Thái Huyền Nga, cán bộ của dự án thuộc CRED, người đã có nhiều năm gắn bó với du lịch Bắc Hà, cho biết, khi dự án bắt đầu vào hỗ trợ người dân Bắc Hà, đã mở nhiều lớp tập huấn, mời chuyên gia để nói về tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa, và lồng nội dung này vào nhiều phần khác nhau của các lớp tập huấn. Theo chị, Bắc Hà không có cảnh đẹp hùng vĩ như những vùng núi Tây Bắc khác. Nét quyến rũ của du lịch Bắc Hà là về bản sắc văn hóa, về con người. Ý thức được điều này, những gia đình tham gia dự án, trong đó có rất nhiều gia đình trẻ, đã rất chú trọng đến việc tạo ra bản sắc văn hóa. Điển hình của hai nhóm người trẻ tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa là nhóm văn nghệ người Tày của Bản Liền và nhóm văn nghệ của Bản Phố. Ở Bản Phố, nhóm văn nghệ nằm trong câu lạc bộ khèn Mông, là dự án khôi phục của Giàng A Hải, một cán bộ đoàn của huyện Bắc Hà. “Từ chỗ các bạn ấy dùng các phương tiện như loa đài để tạo nhạc, thì đến nay họ đã chơi nhạc mộc, không sử dụng trang phục hiện đại để biểu diễn”.
Chị Thái Huyền Nga cũng cho biết, điểm đặc biệt của những người trẻ này là họ không chỉ dừng lại ở việc thực hiện những kiến thức, tri thức mà dự án hướng dẫn, mà còn tận dụng khả năng sáng tạo và nguồn vốn văn hóa bản địa để tạo ra những cái mới, hấp dẫn hơn. “Đối với đội văn nghệ người Tày, chúng tôi có mời một nghệ nhân ở xã Tà Chải vào giảng dạy cho họ một số tiết mục. Vì đội văn nghệ Bản Liền gần như đi từ con số 0, khi được nghệ nhân truyền lại những vũ đạo, động tác, các bạn đã tự tìm tòi, tự xây dựng những tiết mục múa, tự làm đạo cụ với bản sắc riêng của địa phương mình, như tận dụng các loại nông cụ, nón lá của người Tày Bản Liền… Tiết mục của nhóm đã gây ấn tượng tại chợ đêm Bắc Hà và được nhiều du khách quan tâm” – chị chia sẻ.
Bắc Hà hiện nay là điểm du lịch đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách. Ngoài vẻ đẹp quyến rũ của cao nguyên trắng vào mùa xuân, mùa hoa mận, hoa đào, Bắc Hà còn hấp dẫn với những nét bản sắc văn hóa và con người. Ở nhiều vùng du lịch văn hóa, luôn có sự mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, nhưng ở Bắc Hà, nhiều nơi, nhiều người trẻ đã có những cách sáng tạo riêng để giữ vốn văn hóa cha ông, kết hợp hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.
Ý kiến ()