Người trẻ kể chuyện Hà Nội qua tranh
Sau hơn một tháng phát động, cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là…” của UNESCO đã thu hút gần 250 nghệ sĩ tham gia. Mỗi tác phẩm lại là một câu chuyện thú vị của các họa sĩ trẻ kể về Hà Nội, trong số đó, có những người không sinh sống ở Hà Nội, cũng có những người chưa từng đặt chân đến thành phố này.
Khởi động từ ngày 6/8 và khép lại vào ngày 9/9/2021, cuộc thi thu hút gần 250 nghệ sĩ trẻ cả trong và ngoài nước. Cuộc thi do UNESCO và UN-Habitat tổ chức, với sự đồng hành của nhóm Vietnam Local Artist Group (VLAG), nhằm thúc đẩy Danh hiệu “Hà Nội – Thành phố Sáng tạo” do UNESCO trao tặng năm 2019, bằng những tác phẩm minh họa về Hà Nội.
Nhận xét của UNESCO về các tác phẩm tham dự cuộc thi cho thấy, với chủ đề mang tính gợi mở: ‘’Hà Nội là…’’, các tác giả đã đem đến những ý tưởng bất ngờ, mới mẻ, lồng ghép nhiều câu chuyện và cảm xúc riêng, khắc họa Hà Nội với muôn màu độc đáo. Những góc Hà Nội được thể hiện bằng những chất liệu đa dạng, như vẽ kỹ thuật số (digital), lụa, cắt dán, sơn dầu, sơn mài…
Điều bất ngờ nhất là các tác giả trẻ đã đem lại những góc nhìn độc đáo cho các tác phẩm của mình. Một số tác giả trong số đó thậm chí còn chưa đặt chân đến Hà Nội, và chỉ vẽ Hà Nội qua hình dung, trí tưởng tượng và những gì mình biết. Hà Nội trong mắt các tác giả trẻ là bầu trời xanh ngắt, là những công trình cổ, là nhà cổ lô xô mái ngói rêu phong, là những món ăn đường phố, gánh hàng rong đầy hấp dẫn… Những bức tranh minh họa về Hà Nội được thể hiện bằng những ý tưởng bất ngờ, mới mẻ, lồng ghép nhiều câu chuyện và cảm xúc riêng, khắc họa Hà Nội với muôn màu độc đáo.
Giải nhất cuộc thi được trao cho tác giả Đặng Thái Tuấn – tác phẩm “Hà Nội Rong”, với hình ảnh Hà Nội thu nhỏ chất trên gánh hàng rong giữa nền trời lồng lộng màu xanh. Chia sẻ về tác phẩm, tác giả Đặng Thái Tuấn cho biết, bức tranh thể hiện những trải nghiệm cuộc sống giản dị qua từng con phố, ngôi nhà, quán ăn, di tích lịch sử… từ tráng lệ đến mộc mạc.
Giải nhìn thuộc về tác giả Trần Phát với tác phẩm “Hanoi By Night”. Điều đặc biệt là tác giả Trần Phát chưa từng đặt chân đến Hà Nội. Bạn vẽ bằng hình dung của mình.
Tác giả chia sẻ: “Em chưa từng ra Hà Nội. Tất cả những gì em biết về Hà Nội đều qua màn hình vào buổi tối trước khi ngủ (do ban ngày em đi học đi làm). Em follow các bạn, các anh chị trên mạng xã hội và hình dung về Hà Nội theo những câu chuyện của họ. Có thể những gì em thể hiện đây không thực sự Hà Nội thật, nhưng là Hà Nội trong em”.
“Đầu óc trên mây” của tác giả Hà Mạnh Hiếu là tác phẩm đồng giải nhì, thể hiện theo phong cách hiện đại, có nét gì đó gợi nhớ đến các bộ phim hoạt hình của Hayao Myazaki.
Hà Mạnh Hiếu cho biết: “Mình chuyển tới sống tại Hà Nội được 4 năm để học và làm việc. Vì vậy có thể nói Hà Nội gắn bó với một phần tuổi trẻ của mình. Cảm nhận về Hà Nội của mình là vừa sầm uất lại vừa yên ắng, vừa mới lại vừa cũ,… khó để miêu tả cụ thể. Nói chung là một nơi rộng mở với rất nhiều giá trị, cơ hội đang chờ ai có đủ can đảm theo đuổi giấc mơ của bản thân”.
Chia sẻ về tác phẩm, Hà Mạnh Hiếu nói: “Thực ra bức tranh không có nội dung gì sâu xa cả. Ý tưởng này xuất hiện trong đầu mình từ năm ngoái, một phần bởi mình bị ấn tượng trước vẻ đẹp của những khu nhà tập thể cũ. Mình cũng lấy cảm hứng từ bộ phim “Howl’s moving castle” và gần đây nhất là bộ “Hà Nội Punk” của anh Tú Na”.
“Bát bún ngan” của tác giả Tôn Nữ Thị Bích Trâm cũng là một tác phẩm được đồng giải nhì. Khác với các tác phẩm trên, đều thể hiện công trình, nhà cửa, những cái nhìn từ bên ngoài, “Bát bún ngan” thể hiện cái nhìn từ bên trong, với hai người già với nụ cười vui vẻ trước bát bún đầy màu sắc.
Tôn Nữ Thị Bích Trâm chia sẻ: “Dường như là không khó lắm để mình nghĩ xem sẽ vẽ gì khi nhìn thấy challenge này. Mình sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Nhưng bằng mối duyên lạ lùng của thế hệ trước nên giờ đây – Hà Nội – đã tự nhiên trở thành quê hương thứ hai của mình”.
Được biết, hai nhân vật trong tranh là ông bà ngoại của Bích Trâm, sống ở Hà Nội. Bích Trâm đến Hà Nội lần đầu tiên vào dịp Tết năm 1996, khi chưa được hai tuổi, để thăm ông bà ngoại. “Từ đó đến nay mình được đi thêm nhiều lần nữa. Hà Nội đối với mình giản dị như nụ cười của ông bà khi con cháu đến thăm, là mùi hương cũ kỹ của căn nhà, góc phố, là chiếc bàn – ghế – tủ – kệ – rèm cửa đã trải qua bao tháng năm, là những quán chè nước đơn sơ trên hè phố, là món miến ngan ngon lành đặc trưng mà không thể tìm ở đâu có hương vị giống vậy trong Sài Gòn, …. Hà Nội – là một nửa tuổi thơ của mình. Bức tranh vẽ về lần gặp ông bà gần đây nhất, tháng 7/2020, được ông bà dẫn đi ăn bún ngan” – Bích Trâm nói.
Một tác phẩm đồng giải nhì khác của tác giả Nguyễn Hữu Huyền Trân – “Hà Nội Collage” cũng mượn hình ảnh phố cổ với những ngôi nhà nhuốm màu thời gian.
Tác giả chia sẻ: “Sâu xa vào tác phẩm, tôi muốn thể hiện những thanh âm đặc trưng như tiếng xe lửa đi qua ga tàu, tiếng giao của những cô hàng rong đã làm nên thương hiệu của đất thủ đô. Chậm lại chút nữa, cảm nhận được không khí trong lành mỗi sáng khi ngồi bên quán cà phê cóc ven đường, hay những hàng tạp hoá với những chiếc kệ gỗ đặc trưng tuy không xa hoa sang trọng, nhưng cảm giác ấy, ta chỉ cảm nhận được ở một Hà Nội “xịn”.
Nguyễn Hữu Huyền Trân cho biết, tác phẩm được sử dụng kỹ thuật tranh cắt dán, “không chỉ đơn giản là vẽ từng phần nhỏ và dán lại vào một tờ giấy trắng, nó có nghĩa là góp nhặt từng tinh hoa, từ những thứ mộc nhất của Hà Nội và tổng hợp lại để trở thành một tác phẩm lớn”.
Những hình ảnh quen thuộc, từ đơn sơ đến tráng lệ, vốn vẫn tồn tại như một phần của cuộc sống hằng ngày ở Hà Nội, nhưng qua cây bút của các họa sĩ trẻ, bỗng trở nên độc đáo, thú vị.
Cuộc thi cũng là cách để người xem phần nào hiểu được cách người trẻ nhìn nhận về một trong hai thành phố đầu tàu của cả nước, dựa trên những bay bổng của sự sáng tạo.
Ý kiến ()