Người trao yêu thương tới những mảnh đời bất hạnh
15 năm đi khắp nơi cắt tóc cho người nghèo, cưu mang nhiều trẻ em cơ nhỡ, vận động bà con vùng cao chặt bỏ cây thuốc phiện, đào tạo nghề cho những người trở về từ trung tâm cai nghiện. Đó là anh Nguyễn Long Trường (trong ảnh), sinh năm 1974, xã Bản Phiệt, Bảo Thắng (Lào Cai).
Lấy bằng đại học rồi đi cắt tóc
Nhà Trường nghèo. Hết cấp hai, Trường xin nghỉ đi làm thuê lấy tiền nuôi bốn em ăn học. Năm 1998, Trường xin học bổ túc ở Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai. Mùa đông thấy Trường chỉ mặc có chiếc áo sơ mi cũ sờn, co ro đến trường, ông bà Đinh Đức Hải, Nguyễn Thị Khoa – bố mẹ một người bạn, đã nhận Trường làm con nuôi. Biết Trường khéo tay lại có nghị lực, bà Khoa sắm cho con một chiếc kéo, khăn choàng và ghế đẩu để Trường cắt tóc kiếm thêm tiền lo cho cuộc sống.
Đôi tay chai sạn lấy ra chiếc kéo cũ kỹ mẹ mua cho năm nào, anh Trường xúc động nhớ lại: Một buổi chiều cuối năm 1998, Trường đang cắt tóc cho khách hàng bên vỉa hè thì thấy cậu bé đánh giày bị đánh đập giữa đường. Hỏi thăm mới biết cậu bé tên Hải, nhà ở Hưng Yên, bố mẹ mất sớm phải lên Lào Cai đi đánh giày nuôi em. Đồng cảm với Hải, Trường đưa về nhà rồi xin phép bố mẹ nuôi cho hai anh em được thuê nhà mở quán cắt tóc. Thấy anh Trường hiền lành, tốt bụng nên Duy, Hùng, Long – những đứa trẻ mồ côi, nhà nghèo khác ở Lào Cai cũng xin ở lại cùng. Ngày ngày, vừa cắt tóc, Trường vừa dạy nghề cho những đứa trẻ mà không nhận một đồng nào. Tranh thủ buổi tối vắng khách, Trường lại đến lớp học văn hóa…
Học bổ túc xong, Trường trúng tuyển vào Trường đại học Công đoàn, chuyên ngành Quản trị kinh doanh.”Lúc đó, mình chỉ nghĩ học đại học sẽ bổ trợ kiến thức để sau này về dạy nghề cho mọi người. Mặc dù tốt nghiệp xong được tuyển vào làm ở công ty nhưng mình từ chối vì đi làm ở đó thì chỉ có lợi cho mình thôi”, anh Trường cho biết.
Số tiền hai triệu đồng tiết kiệm được từ ngày đi cắt tóc, Trường thuê một cửa hàng to hơn để năm anh em kết hợp vừa cắt tóc, vừa đánh giày. Đến năm 2003, số lượng trẻ em lang thang tìm đến quá đông, tiệm cắt tóc không thể đáp ứng hết nhu cầu việc làm, cho nên Trường bàn với mọi người mở thêm cửa hàng cơ khí, quảng cáo. Nhiều lần “sập” cửa hàng vì làm ăn thua lỗ nhưng được mọi người giúp đỡ, Trường lại vực dậy cửa hàng.
Người đi xây tổ ấm
Trong ngôi nhà nằm giữa thành phố Lào Cai, ngoài căn phòng nhỏ của hai vợ chồng, Trường dành một phòng làm chỗ ở cho hơn 10 nhân viên. Mọi người đều sinh hoạt, ăn uống chung như một gia đình. Những ngày rảnh rỗi, Trường lại động viên các thành viên trong nhà đến Trung tâm bảo trợ xã hội để cắt tóc, dạy nghề miễn phí cho người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ.
Năm 2011, được Hội Liên hiệp Thanh niên TP Lào Cai đồng ý, Trường cùng bạn bè thành lập Câu lạc bộ làm đẹp TP Lào Cai. Với vai trò thủ lĩnh, Trường huy động CLB cùng Hội LHTN Việt Nam tỉnh Lào Cai đi khắp nơi, tận cùng ngõ ngách vùng sâu xa, biên giới để tuyên truyền nếp sống văn minh, cắt tóc miễn phí cho người dân bản địa. Tính đến nay, đã có hơn 5.000 người dân được cắt tóc, hơn 100 trường hợp khó khăn được đào tạo nghề và 26 người có việc làm với thu nhập ổn định. Không chỉ trẻ mồ côi cha mẹ hay con thương binh liệt sĩ… mà những người trở về từ trung tâm cai nghiện cũng tìm đến anh Trường với hy vọng được “hồi sinh”. Theo chương trình cai nghiện ma túy của thành phố Lào Cai, mỗi năm anh Trường giúp đỡ hai đối tượng tái hòa nhập cộng đồng và có việc làm ổn định.
Từ hôm Nguyễn Long Trường nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia, bạn bè, họ hàng kéo đến chúc mừng rất đông. Như được tiếp thêm động lực, anh Trường phấn khởi bảo: “Trong thời gian tới, mình sẽ tiếp tục phối hợp với Thành đoàn Lào Cai mở hai lớp học nghề cho 40 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và sau lớp tập huấn sẽ giới thiệu việc làm để đoàn viên, thanh niên có thu nhập ổn định”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()