Người tiêu dùng Đức tiết kiệm hơn trong bối cảnh giá cả tăng cao
Chỉ số tâm trạng tiêu dùng ở Đức đã giảm rất mạnh xuống mức âm 36,5 điểm trong tháng Chín, đây là lần giảm thứ ba liên tiếp và là mức thấp nhất từ khi chỉ số này được thống kê năm 1991.
Theo Hiệp hội nghiên cứu tiêu dùng (GfK) của Đức, tâm trạng tiêu dùng của người dân nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn trong bối cảnh giá cả tăng cao hiện tại.
Kết quả khảo sát của GfK cho thấy, chỉ số tâm trạng tiêu dùng ở Đức đã giảm rất mạnh xuống mức âm 36,5 điểm trong tháng Chín, từ mức dương 5,6 điểm trước đó. Đây là lần giảm thứ ba liên tiếp và là mức thấp nhất từ khi chỉ số này được thống kê năm 1991.
Chuyên gia tiêu dùng Rolf Bürkl từ GfK cho biết, xu hướng tiết kiệm tăng mạnh đã làm giảm chỉ số tâm trạng tiêu dùng, khiến chỉ số này đạt mức thấp kỷ lục mới.
Giá cả hàng hóa tăng cao, cùng với nỗi lo về chi phí năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao là những nguyên nhân chính khiến người dân gia tăng tiết kiệm, hạn chế chi tiêu.
Tình hình có thể tồi tệ hơn trong những tuần và tháng tới nếu nguồn cung nhiên liệu, đặc biệt là khí đốt, không đủ trong mùa Đông tới, khiến các hộ gia đình phải tăng hơn nữa khoản chi trả cho các hóa đơn sưởi ấm.
Nhiều chuyên gia kinh tế có những nhận định tương tự. Chuyên gia Andreas Scheuerle từ ngân hàng DekaBank cho biết, khi người tiêu dùng bỏ ra cùng một số tiền nhưng lại mua được ít hàng hóa hơn so với trước, niềm vui tiêu dùng của họ sẽ giảm. Sự mong muốn tiêu dùng của người dân sẽ biến thành thất vọng tiêu dùng.
Do đó, lĩnh vực chi tiêu cá nhân – vốn là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Đức – khó có thể đóng vai trò như một động lực kinh tế trong thời điểm hiện tại.
Nhà kinh tế trưởng Alexander Krüger tại ngân hàng Hauck&Aufhäuser cho rằng câu hỏi đặt ra hiện tại không phải là tâm trạng tiêu dùng có giảm hay không, mà là tồi tệ đến mức nào.
Về phía các doanh nghiệp, nhiều công ty cũng đang lo lắng về sự tiếp tục gia tăng giá năng lượng, vốn đã ở mức rất cao trong thời gian qua. Một số doanh nghiệp còn không chắc chắn có thể đảm bảo đủ năng lượng cho sản xuất trong mùa Đông tới hay không.
Nguy cơ sản xuất đình trệ hoàn toàn có khả năng xảy ra và nền kinh tế có thể phải đối mặt với một cuộc suy thoái. Hiện chính phủ Đức đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo đủ năng lượng cho người dân và nền kinh tế trong mùa Đông tới./.
Ý kiến ()