Người tiêu dùng chưa biết tự bảo vệ quyền lợi của mình
LSO-Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay trở thành vấn đề quan tâm của toàn thế giới. Bởi nó liên quan đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Nó không chỉ riêng vấn đề mua bán hàng hóa mà là dịch vụ, phục vụ, thực hiện các cam kết của nhà sản xuất, cam kết sản phẩm trí tuệ. Tuy vậy rất nhiều người tiêu dùng chưa biết tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Người tiêu dùng mua hàng tại Hội chợ thương mại |
Theo thống kê mới nhất của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, chỉ có 2,2% người được hỏi có biết về Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy mới tháng trước một thông tin viên của chúng tôi, anh Phạm Văn Minh, giáo viên của một trường THCS tại huyện Chi Lăng cứ hỏi đi hỏi lại có nên khiếu nại một nhà cung cấp dịch vụ di động và khiếu nại ở đâu vì dám bán luôn sim của anh cho người khác trong khi anh dùng số điện thoại này đã 2 năm. Thế nhưng khi chứng minh điều đó anh không lưu lại hóa đơn, không khai báo trước. Như vậy căn cứ để xử lý phần thua luôn thuộc về khách hàng. Bởi nếu biết bảo vệ mình chắc trước khi mua một sản phẩn anh Minh đã tìm hiểu ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi cho mình. Cần những thông tin gì khi quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Đây chỉ là một ví dụ điển hình nảy sinh trong quan hệ thương mại. Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng không biết khiếu nại ở đâu, ai là người đại diện bảo vệ quyền lợi cho họ. Ít quan tâm, chưa tìm hiểu nên hầu như rất ít vụ người tiêu dùng được bảo vệ đúng nghĩa. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến tất cả mọi khía cạnh đời sống. Từ nhà sản xuất, cung cấp nguyên liệu, hàng hóa tiêu dùng đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Nói đơn giản ở đâu có mua, bán, hợp đồng, có tiêu dùng thì có quan hệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ông Hoàng Việt Chiến, Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Lạng Sơn thì hầu hết sau khi xảy ra tranh chấp người tiêu dùng mới tìm hiểu cơ quan bảo vệ quyền lợi của mình. Khi được giải thích thì các tài liệu chứng minh cơ quan tổ chức vi phạm hầu như không có. Đơn cử như khi mua một món hàng anh phải yêu cầu hóa đơn, sản phẩm đúng cam kết. Khi bên cung cấp không đúng sản phẩm yêu cầu thì hiệp hội mới có căn cứ để bảo vệ, đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý theo Luật, mà cao nhất là quyết định của tòa án.
Hiện nay, hầu như các Luật, quy định, hướng dẫn về thương mại, dân sự đều liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng như: Luật Dân sự 2005, Luật Thương mại 2005, Luật Cạnh tranh, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm 2010, và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ 1/7/2011. Có thể nói so với nhiều nước trong khu vực, chúng ta vượt hơn họ về quy định, luật được điều chỉnh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng, như người tiêu dùng khởi kiện dù thua không phải chịu án phí; đơn khởi kiện sau 3 ngày phải thụ lý, xét xử; luật cũng quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của tất cả các tổ chức, cá nhân… Nhưng một thói quen của người tiêu dùng là chưa biết bảo vệ mình, khi mua hàng hầu như rất ít người tiêu dùng yêu cầu người bán phải có hóa đơn, cung cấp nhãn mác hàng hóa, cam kết hạn sử dụng. Khi mua phải hàng hóa không đúng cam kết họ căn cứ vào giá cả để quyết định kiện hay không.
Cũng theo ông Hoàng Việt Chiến, khi quyền lợi bị xâm hại, nhiều người tiêu dùng cho là món hàng nhỏ, khiếu kiện mất thì giờ. Điều đó đã vô hình chung che dấu hành vi vi phạm cho người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Vì thế số vụ nhận được đơn khiếu nại ngày càng ít, năm 2011 có 4 đơn, năm 2012 có 2 đơn và năm 2013 chỉ có 1 đơn khiếu nại về chất lượng điện thoại di động. Có thể khẳng định rằng, bảo vệ người tiêu dùng thể hiện quyền dân chủ, vì con người. Nhưng để thực thi rất cần người tiêu dùng tự bảo vệ mình, trở thành người tiêu dùng thông thái. Để làm được điều đó, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật, góp phần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, để họ tự bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()