Người thầy thuốc quân y tuyến đầu biên giới
Người dân khám bệnh tại Trạm xá Quân dân y kết hợp xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc
– Những năm qua, Trạm xá Quân dân y kết hợp (Nông Lâm trường 196, Đoàn 338, Quân khu 1) luôn là nơi để nhân dân khu vực biên giới gửi trọn niềm tin. Đây là được xem như “cánh tay nối dài” của ngành y tế, giúp nhân dân có thêm địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy, chu đáo.
Trạm quân dân y kết hợp, tại xã Xuất Lễ (huyện Cao Lộc) hiện nay được biên chế 1 bác sỹ, 1 y sĩ quân y. Bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh phần đông đến từ các xã Xuất Lễ, Mẫu Sơn, Cao Lâu (Cao Lộc).
Đại úy Nguyễn Ngọc Anh, Bác sỹ Trạm xá Quân dân y cho biết: Mặc dù trạm còn thiếu thốn, nhưng bằng tinh thần của người lính, trách nhiệm y đức của người thầy thuốc, các y bác sĩ của trạm nỗ lực hết mình, khắc phục khó khăn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành quân y. Trong hoạt động chuyên môn, anh em quân y của trạm luôn tuân thủ quy trình khám và chữa bệnh. Do đó, những năm qua, đối với người dân trên tuyến biên giới, hình ảnh thầy thuốc người lính đã trở nên thân quen, gần gũi như người thân trong gia đình. Bất kể ngày hay đêm, Trạm xá Quân y kết hợp Xuất Lễ luôn túc trực để khám chữa bệnh cho người dân.
Gần 20 năm gắn bó với người dân vùng biên giới, nên các y, bác sĩ quân y của trạm xá luôn quan tâm nắm rõ tình trạng bệnh và sức khỏe của từng người khi đến khám bệnh. Cũng bởi vì lẽ đó, nhiều người dân trong khu vực biên giới vẫn tìm đến trạm xá để được khám bệnh, điều trị. Trung bình mỗi ngày, các quân y của trạm tiếp nhận hàng chục lượt bệnh nhân đến khám. Riêng trong năm 2023, trạm đã trực tiếp khám bệnh, cấp thuốc và điều trị bệnh cho trên 2.300 lượt người dân.
Ông Dương Văn Tự, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Lề – Bản Ngõa, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc chia sẻ: “Thời gian qua, trạm quân y ở đây luôn được người dân tin tưởng, dân ở đây có đau ốm đều đến trạm để khám chữa bệnh. Các y, bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, hướng dẫn điều trị bệnh rất tỉ mỉ, người dân rất hài lòng”.
Khắc ghi nhớ lời dạy của Bác: “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh, em ruột thịt, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Do đó, những hoạt động cụ thể của trạm xá thời gian qua đã tạo nên sự gắn bó với người dân nơi tuyến đầu biên giới. Bởi các quân y nơi đây luôn thực hiện tốt phương châm: “quân y ở đâu cũng phải tham gia chăm sóc sức khỏe Nhân dân và ngược lại, khi quân đội có yêu cầu chăm sóc sức khỏe bộ đội thì lực lượng dân y sẵn sàng giúp đỡ”. Theo Thượng úy Phùng Tiến Thành, Y sĩ Trạm xá quân dân y kết hợp tâm sự: “Trong ngành quân y, bản thân chúng tôi luôn mong muốn không riêng gì ngày 27-2, mà tất cả các ngày khác, mong muốn người dân trên địa bàn ít phải đến trạm xá để chữa bệnh, mà luôn đảm bảo sức khỏe, hạn chế bệnh tật”.
Thượng tá Phạm Văn Khanh, Chính trị viên Nông Lâm trường 196 cho biết: “Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các dự án kinh tế – quốc phong, quản lý thâm nhập lực lượng Dự bị động viên của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang)…, mỗi sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, trí thức trẻ tình nguyện còn là “sợi dây” gắn kết, san sẻ khó khăn trong cuộc sống đời thường với người dân nơi đây; thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trưởng của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thực hiện tốt theo Đề án 1371 của Bộ Quốc phòng, Đề án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em đến trường”… Đặc biệt, qua công tác khám chữa bệnh của cán bộ quân y, Nhân dân khu vực biên giới rất an tâm với công tác khám chữa bệnh của Trạm xá quân dân y kết hợp. Hoạt động này không chỉ góp phần tô thắm hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” mà còn in đậm hình ảnh, y đức người thầy thuốc trong lòng Nhân dân nơi tuyến đầu biên giới”.
DƯƠNG VĂN ĐỘI
Ý kiến ()