“Người thầy quân hàm xanh” - Biểu tượng đẹp nơi biên giới
LSO-Ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, xóa mù chữ tại địa bàn đóng quân, tạo nên những hình ảnh đẹp về người chiến sĩ biên phòng nơi biên giới.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ký kết công tác phối hợp với
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc trong thời kỳ mới, ngày 5/9/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã ký chương trình phối hợp số 920/CTr-BGDĐT-BTLBĐBP về đẩy mạnh công tác chống mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phát triển trung tâm học tập cộng đồng khu vực biên giới, hải đảo. Mục tiêu của chương trình phối hợp là huy động sức mạnh tổng hợp của chính quyền các cấp ở địa phương cùng với ngành giáo dục và bộ đội biên phòng tập trung xóa bỏ cơ bản tình trạng người mù chữ, tái mù chữ, học sinh bỏ học, thất học ở khu vực biên giới, hải đảo nhằm duy trì và củng cố kết quả chống mù chữ phổ cập giáo dục tiểu học.
Thực hiện chương trình này, những năm qua Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng thực hiện phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo, các trường học và các trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn khu vực đóng quân điều tra, khảo sát thực trạng người mù chữ; vận động người mù chữ, tái mù chữ tham gia lớp học xóa mù chữ; vận động học sinh bỏ học tới trường; hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó… Những việc làm nghĩa tình ấy đã thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng bộ đội biên phòng và đồng bào các dân tộc nơi đóng quân. Đồng thời, góp phần đưa hình ảnh “người thầy quân hàm xanh” trở thành biểu tượng đẹp của đồng bào các dân tộc trên biên giới, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã được dân làng coi như người con của bản làng…
Thiếu tá Lâm Văn Thảo, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bảo Lâm, huyện Cao Lộc cho biết: Từ những năm đầu mới thực hiện và qua thực tế khảo sát, chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều người dân không biết chữ. Họ mong muốn biết đọc, biết viết, nhưng không có điều kiện để học tập. Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, đơn vị đã phối hợp với phòng giáo dục huyện, chính quyền địa phương và trường học trên địa bàn tổ chức hỗ trợ học sinh nghèo và tổ chức hoạt động phổ biến các kiến thức quốc phòng – an ninh, phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo,… giúp nhân dân nâng cao năng suất lao động, thu nhập, hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Theo đó, từ năm 2012 đến nay lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh đã tham gia phối hợp mở được 62 lớp học mang tên “Biên giới với học đường” với hơn 2.800 lượt học sinh và 315 lượt cán bộ, giáo viên tham gia. Đồng thời mở 852 lớp chuyên đề tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho 42.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, bộ đội biên phòng còn tích cực hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường bằng chương trình “Nâng bước em đến trường”, giúp đỡ cho 57 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới với mức hỗ trợ là 500 nghìn đồng/học sinh/tháng. Qua đó góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao tỷ lệ và chất lượng xóa mù chữ cho người lớn, nhất là người dân tộc thiểu số và phụ nữ. Theo thống kê từ năm 2012 đến nay có 459 người thuộc 5 huyện biên giới được xóa mù chữ.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Với sự phối hợp hiệu quả của lực lượng bộ đội biên phòng trong công tác xóa mù chữ – phổ cập giáo dục tiểu học đã góp phần cùng với ngành giáo dục xây dựng xã hội học tập khu vực biên giới. Với những kết quả đạt được, mong rằng trong thời gian tới Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với ngành giáo dục để chăm lo, vận động trẻ em đến trường, đẩy mạnh chương trình “nâng bước em đến trường”, lan tỏa hình ảnh “người thầy giáo quân hàm xanh” trên biên giới Xứ Lạng.
Ý kiến ()