Người thầy nặng lòng “gieo chữ” vùng cao
(LSO) – Những năm qua, nhiều thầy, cô giáo trên địa bàn tỉnh đã nêu gương sáng, luôn cố gắng, tận tâm cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Thầy Hoàng Văn Đông, công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Quý Hòa, huyện Bình Gia là một người thầy như thế.
Thầy Hoàng Văn Đông sinh năm 1986, là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, chuyên ngành Văn – Địa, năm 2013, mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy Đông nhận công tác tại Trường PTDTBT TH&THCS Quý Hòa.
Thầy Hoàng Văn Đông soạn giáo án
Người dân Quý Hòa chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Do đời sống còn nhiều khó khăn nên phụ huynh nơi đây chưa quan tâm tới việc cho con em đến trường. Thầy cũng hiểu học trò nghèo luôn đói cái bụng và “đói” cả con chữ. Vì thế, những năm đầu công tác, thầy Đông và đồng nghiệp thường phải đi xe máy trên con đường nhấp nhô, gập ghềnh vào bản làm công tác “vận động tư tưởng”. Đến nay, thầy không nhớ rõ đã bao nhiêu lần ngược suối, băng rừng để vận động học sinh đi học. Chỉ biết rằng, sau đó, nhiều cô cậu học trò đã quay lại trường, tiếp tục theo đuổi con chữ.
Thầy Đông chia sẻ: Những khó khăn ban đầu không làm nản chí của tôi và đồng nghiệp mà chúng tôi lấy đó thành động lực, mục tiêu để phấn đấu, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, “truyền lửa” tới các em học sinh…
Là một giáo viên dạy môn Ngữ văn, thầy Đông quan niệm: Dạy môn Ngữ văn, ngoài niềm đam mê, tâm huyết, người dạy còn cần tự trau dồi kỹ năng truyền thụ và biểu cảm trong mỗi bài giảng. Trong mỗi bài giảng của mình, thầy đưa ra nhiều dẫn chứng từ những bài thơ, bài văn, bài nghiên cứu, bình luận được đăng trên các sách tham khảo, các tạp chí chuyên ngành. Với mỗi chi tiết, nhân vật, tình huống trong tác phẩm văn học, thầy lại hướng học sinh đến các tình huống thực tế diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, truyền thêm những thông điệp, tình cảm, dạy các em tình yêu thương, tính nhân văn thông qua các bải giảng của mình.
Em Lý Thị Hằng, học sinh lớp 9A, Trường PTDTBT TH&THCS Quý Hòa chia sẻ: Trong mỗi tiết học, thầy luôn khéo léo gửi gắm những bài học làm người, tư tưởng sống tích cực, sống có lý tưởng, dạy học trò biết yêu thương…. từ môn học Ngữ văn mà thầy phụ trách. Nhờ vậy, mỗi tiết học Ngữ văn do thầy Đông lên lớp đều trở nên hấp dẫn, sôi nổi, tạo không khí hào hứng, được học sinh chúng em đón chờ.
Không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, thầy Đông còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của ngành phát động, đặc biệt là phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Thầy luôn tìm tòi, đưa các phương pháp giảng dạy mới vào dạy học, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả và đạt được kết quả học tập tốt nhất. Các phương pháp của thầy không chỉ được nhà trường ghi nhận mà còn được các cấp, ngành biểu dương. Tiêu biểu như tham gia Cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, thầy Đông đã đạt giải 3 cấp tỉnh và được chọn để tham gia dự thi cấp quốc gia năm học 2015 – 2016.
Cô Lưu Thị Ngơi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong hai năm học 2018 – 2019 và 2019 – 2020, thầy Đông có 2 sáng kiến được áp dụng mang lại hiệu quả và được Hội đồng Sáng kiến huyện Bình Gia đánh giá, công nhận. Đó là sáng kiến: Một số giải pháp nâng cao hứng thú viết bài tập làm văn phần nghị luận văn học cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Quý Hòa và sáng kiến Một số giải pháp nâng cao hứng thú viết bài tập làm văn phần nghị luận xã hội cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Quý Hòa. Nhờ áp dụng các sáng kiến vào quá trình giảng dạy môn Ngữ văn, đặc biệt môn Ngữ văn 9 mà trong hai năm học vừa qua, kết quả thi vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn của nhà trường luôn đạt kết quả cao, có 95% học sinh đạt từ trung bình trở lên, xếp thứ hai toàn huyện.
Với những thành tích đã đạt được, năm 2020, thầy Đông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích hai năm học liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học (năm học 2018 – 2019 và 2019 – 2020).
Ý kiến ()