Người sáng tạo trong thiết kế trang phục truyền thống các dân tộc
– Xuất phát từ niềm đam mê và nhu cầu thị trường, chị Chu Thị Bảo Thoa (sinh năm 1991), chủ cửa hàng Lâm Anh, số 110, đường Ngô Quyền, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đã lên ý tưởng thiết kế, phát triển mẫu hoa văn trên nền trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn. Các trang phục chị thiết kế đan xen giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên sự khác biệt, bước đầu được thị trường đón nhận; góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn.
Chị Thoa (bên phải) giới thiệu trang phục truyền thống dân tộc do mình thiết kế cho khách hàng
Trong không khí Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hào hứng chào đón ngày hội văn hóa các dân tộc năm 2023 diễn ra ở nhiều huyện, thành phố, chúng tôi tìm đến địa chỉ số 110, đường Ngô Quyền, thành phố Lạng Sơn để gặp gỡ chị Chu Thị Bảo Thoa, người đang dày công làm đẹp thêm trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh nhà.
Chị Thoa cho biết: Mẹ tôi trước đây làm thợ may nên tôi sớm được tiếp cận với máy may và sở thích may vá sớm hình thành từ đó. Năm 12 tuổi tôi đã tự may quần áo cho búp bê, cho bản thân và em gái họ. Sau này, tình yêu và niềm đam mê với nghề may cứ lớn dần lên, tôi ấp ủ sẽ mở cửa hàng thời trang do chính mình thiết kế. Chính vì vậy, tôi đã đi học thêm về thiết kế may ở các trung tâm dạy nghề tại thành phố Hà Nội.
Nói về ý tưởng thiết kế, tô điểm cho trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, chị Thoa cho biết: Với mong muốn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời xuất phát từ nhu cầu thị trường, tôi đã tìm hiểu và có ý tưởng tô điểm làm đẹp cho những trang phục truyền thống. Theo đó, dựa vào nguyên mẫu trang phục truyền thống các dân tộc, tôi thiết kế cách điệu các trang phục để phục vụ thị trường. Việc “cách điệu” này chủ yếu là thêm các chi tiết, họa tiết trang trí, các phụ kiện, tua rua để trang phục đẹp, ấn tượng hơn nhưng vẫn giữ những nét cơ bản của trang phục truyền thống, để khi mọi người nhìn vào sẽ biết trang phục đó là của dân tộc nào.
Theo tìm hiểu, hiện chị Thoa đang tập trung thiết kế cách điệu trang phục truyền thống của 7 dân tộc trên địa bàn tỉnh gồm: Tày, Nùng, Sán Chay, Dao đỏ, Dao Lù Giang, H’Mông đen, H’Mông trắng. Từ đầu năm 2023 đến nay, chị đã tự thiết kế được 25 mẫu và may được gần 60 bộ trang phục truyền thống các dân tộc, đủ các kích cỡ, phục vụ cho khách thuê để chụp ảnh, tham dự các sự kiện văn hóa, lễ hội, các cuộc thi, hội thi. Mỗi trang phục làm rất kỳ công, phải mất từ 10 – 12 ngày từ khâu lên ý tưởng, thiết kế, lựa chọn chất liệu và hoàn thiện.
Mặc dù mới hoạt động được thời gian ngắn nhưng cửa hàng của chị đã được nhiều người biết và tìm đến thuê trang phục. Chỉ tính riêng từ tháng 8/2023 đến nay, đã có trên 90 lượt khách đến thuê trang phục do chị thiết kế; trong đó có hơn 40 lượt khách thuê phục vụ trình diễn trang phục dân tộc, các sự kiện, hội thi trong và ngoài tỉnh.
Chị Lâm Thị Hồng Thúy, khối 7, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Qua mạng xã hội tôi biết đến cửa hàng của chị Thoa. Tôi thấy các trang phục do chị thiết kế rất ấn tượng, “độc lạ” nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn. Tôi đã thuê trang phục của chị cho con gái tham gia Cuộc thi tìm kiếm tài năng MC nhí toàn quốc. Cháu đều đạt kết quả xuất sắc trong 4 vòng thi từ tháng 8/2023 đến nay. Vòng thi tổ chức vào cuối tháng 10 này tôi dự định tiếp tục thuê trang phục dân tộc do chị Thoa thiết kế để cháu đi thi, với mục đích để lại dấu ấn riêng, đồng thời giới thiệu, quảng bá bản sắc của vùng dân tộc, miền núi Lạng Sơn tại cuộc thi diễn ra ở thủ đô Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Hảo, cán bộ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều địa điểm cho thuê trang phục nhưng chủ yếu là các cửa hàng cho thuê trang phục truyền thống nguyên bản và trang phục biểu diễn văn nghệ được nhập từ nhiều địa phương khác nhau. Trong đó, duy nhất có cửa hàng của chị Chu Bảo Thoa là trang phục tự thiết kế và may dựa trên trang phục truyền thống các dân tộc trong tỉnh để bán, cho thuê. Các trang phục chị thiết kế thể hiện sự khéo léo, tinh tế trên từng đường may, mũi chỉ và có sự “phá cách” theo hướng trẻ trung hơn so với trang phục truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách, tuy nhiên vẫn giữ được nét cơ bản của trang phục truyền thống.
Được biết, các trang phục do chị Thoa thiết kế bước đầu đã được sự đón nhận của thị trường, có nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh thuê trang phục để tham dự, tổ chức các sự kiện văn hóa. Trong đó, hồi giữa tháng 9/2023, Câu lạc bộ “Thiên thần nhỏ” trực thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã cùng kết hợp cho ra mắt 25 bộ trang phục các dân tộc của chị Thoa thiết kế trong Show trình diễn thời trang “Sắc màu bản em”, để lại những ấn tượng tốt đẹp cho người xem.
Ý kiến ()