Người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà
LSO-Trong 365 ngày của một năm, người phụ nữ có riêng một ngày để được cả xã hội quan tâm, ca ngợi và bày tỏ niềm kính trọng. Một ngày “bù đắp” cho những vất vả của những người mẹ tảo tần; những người vợ đảm đang; những người vun vén dựng xây tổ ấm gia đình.
Nữ công nhân Công ty TNHH Bảo Long sản xuất linh kiện máy bơm nước – Ảnh: NGỌC HIẾU |
Phụ nữ là lực lượng căn bản, nguồn nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển toàn xã hội. Trải qua hàng nghìn năm xây dựng vì sự toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh chống thiên tai, duy trì nòi giống, phụ nữ luôn kiến tạo nên những đức tính quý báu mang đậm đà bản sắc truyền thống. Phụ nữ thời hiện đại là người nội trợ chính trong gia đình, người lao động kiếm tiền ngang bằng với nam giới; là những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của xã hội. Là người gánh vác trách nhiệm sinh nở, cùng nuôi dạy con cái trưởng thành. Thành đạt hơn, đảm đang hơn, tự tin hơn và xinh đẹp hơn – đó là hình dung về người phụ nữ của thế kỷ XXI. Và người phụ nữ đang dần tự khẳng định rằng mình là phái đẹp chứ không còn là…phái yếu nữa.
Chiếm trên 51% lực lượng lao động, phụ nữ ở nông thôn vẫn đóng vai trò chính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; vẫn đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái. Trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016) – tổ chức quyền lực cao nhất, phụ nữ chiếm 24,4%, và được Liên Hiệp Quốc đánh giá là “Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới”. Từ ngày xưa, lịch sử luôn ghi nhận phụ nữ là nguồn hạnh phúc, chăm sóc chồng con, đỡ đần cha mẹ già yếu, là chỗ dựa trong các phương diện cuộc sống gia đình. Phụ nữ có các vai trò là người yêu, người vợ, người mẹ, người phục tùng bền bỉ sự nghiệp của quốc gia. Bởi chính họ đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong lịch sử và thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước trong gần 30 năm qua. Chính bàn tay dịu hiền, đảm đang và lòng nhân ái, đức hy sinh của phụ nữ đã vun đắp bao tổ ấm gia đình – tế bào xã hội. Như Bác Hồ đã nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Đánh giá cao sự cống hiến và vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, Đảng, Nhà nước ta dành nhiều sự quan tâm, chăm lo cho sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ. Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta (năm 1946) đã ghi nhận “quyền bình đẳng như nhau” giữa nam và nữ trong mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ đó đến nay, nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của Chính phủ đã tạo những điều kiện cơ bản để phụ nữ phát triển và bảo đảm những quyền và lợi ích chung của chị em. Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2007 là một bước tiến mới trong thực hiện nam nữ bình quyền. Nghị quyết Đaị hội lần thứ X nêu rõ: “Đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng với nam giới. Tạo điều kiện để người phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp”. Người phụ nữ bước ra từ chiến tranh giải phóng dân tộc, được nhân dân và nhà nước tôn vinh là những nữ anh hùng và những bà mẹ Việt Nam anh hùng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Những nét đẹp hiện đại kết hợp nhuần nhuyễn với những đức tính truyền thống tạo nên dáng vẻ và tính cách mạng mang ý nghĩa với bản chất thuần Việt, tiêu biểu cho các tầng lớp phụ nữ Á Đông.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp Hội Phụ nữ Lạng Sơn đã đẩy mạnh, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Thực hiện tốt các phong trào thi đua như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Toàn tỉnh có 43.675 phụ nữ đạt danh hiệu phụ nữ xuất sắc tiêu biểu. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được các cấp hội quan tâm triển khai sâu rộng, nhân các mô hình tiết kiệm theo gương Bác. Sau 3 năm thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và thực hiện các mục tiêu giáo dục đào tạo giai đoạn 2010-2015, năm qua toàn tỉnh đã có 99 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đúng độ tuổi là 224/226 xã, phường, thị trấn. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS 226/226 xã, tỷ lệ 100%, giữ vững kết quả 11/11 đơn vị huyện đạt chuẩn. Toàn ngành giáo dục đào tạo tỉnh có số nữ là 13.363/18.148, đạt tỷ lệ 73,63%. Những thành tích của ngành giáo dục đào tạo có sự đóng góp rất to lớn của đội ngũ nữ cán bộ, giáo viên trong ngành.
Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào về sự tiến bộ của phụ nữ, song thực tế phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và nhiều trở ngại trong bước đường phấn đấu trưởng thành. Trong xã hội ít nhiều vẫn còn tệ trọng nam khinh nữ, là rào cản chính đối với sự tiến bộ của phụ nữ. Tỷ lệ nữ tham gia quản lý, tỷ lệ phụ nữ là lãnh đạo còn thấp, không đồng đều ở các cấp, các lĩnh vực và chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ trong xã hội. Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo chỉ bằng 30% so với lao động nam giới. Số phụ nữ có học hàm, học vị cao còn quá ít. Trong gia đình, phụ nữ vẫn có vị thế thấp hơn, tình trạng bạo lực gia đình còn nhức nhối, nhất là những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Người phụ nữ muốn gì ở ngày 8/3? một bó hoa hay một món quà nho nhỏ nào đó? Đơn giản nhất, họ cần được mọi người nhắc đến tên mình, nhớ tới họ với một tình cảm chân thành nhất, tốt đẹp nhất. Món quà đó sẽ trở nên ý nghĩa nếu như người nhận cảm thấy thích thú với nó.
MAI TÙNG
Ý kiến ()