Người phụ nữ đi lên từ nghèo khó
Chị Đặng Thị Hương (người mặc áo kẻ ngồi giữa) trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế với chị em trong thôn |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công nhân nghèo, năm 1991, chị Hương lập gia đình, hai năm sau vợ chồng chị ra ở riêng, cả nhà chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và 0,5 ha đất đồi trồng sắn nên cái đói, cái nghèo luôn đeo bám gia đình chị. Không chịu khuất phục trước cảnh nghèo, sau nhiều đêm suy nghĩ, nhận thấy nhu cầu dùng phân lân, phân đạm, thức ăn gia súc và một số mặt hàng tạp hóa khác của bà con nhân dân trong xã rất nhiều, chị đã bàn bạc với chồng mạnh dạn vay vốn để đầu tư các mặt hàng trên. Chị Hương chia sẻ: Thông qua tổ chức Hội Phụ nữ xã, tôi được vay 30 triệu đồng, từ số tiền trên, tôi mở dịch vụ buôn bán nhỏ kết hợp với chăn nuôi lợn. Nhờ vợ chồng cùng đồng lòng và chăm chỉ lao động, học hỏi kinh nghiệm làm ăn nên thu nhập từ kinh doanh dịch vụ nông nghiệp được 30 – 40 triệu đồng/năm, đưa kinh tế gia đình dần dần ổn định.
Khi bước đầu có vốn để xoay vòng, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên của đồi rừng, vợ chồng chị Hương tiếp tục đầu tư nuôi thêm 12 con dê sinh sản; mở rộng chuồng trại nuôi lợn. Hiện nay trong chuồng gia đình chị luôn duy trì từ 4 – 5 con lợn nái, mỗi lứa từ 50 – 80 con lợn thịt. Để nắm bắt kỹ thuật đầu tư cho việc chăn nuôi, chị tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tự tìm hiểu cách tiêm phòng cho vật nuôi qua sách báo, ti vi… Vì vậy, đàn lợn gia đình chị luôn phát triển, mỗi năm cho thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng. Cùng với đó, chị mượn diện tích đất đồi để trống của người thân, trồng được 3.000 cây bạch đàn, năm vừa qua đã cho khai thác được 60 triệu đồng, hiện các mầm chồi bạch đàn đang phát triển tái sinh. Với sự năng động nhạy bén cùng sự ham học hỏi của mình, chị Hương đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp, tư nguồn thu nhập này, gia đình chị đã xây được nhà mới và sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều vất vả, nhưng nhận thấy việc ít học là rất thiệt thòi, chị quyết tâm theo học hệ bổ túc tại xã, đến nay, chị đã có bằng THCS. Cùng với đó, chị luôn dành thời gian chăm lo cho gia đình, tạo mọi điều kiện để hai con ăn học, vì vậy, các con chị đều chăm ngoan và học giỏi, hiện nay hai con trai anh chị, một cháu đang theo học Học viện An ninh nhân dân, một cháu học trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Trong cuộc sống hằng ngày, chị và gia đình luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động.
Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Thiện Kỵ cho hay: Không những biết cách làm giàu cho bản thân, chị Hương còn tích cực tham gia công tác xã hội và làm từ thiện, sẵn sàng giúp đỡ chị em trong thôn có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất (gia đình chị Hương đã giúp được 3 chị vay không lấy lãi với số tiền 25 triệu đồng). Mặt khác, mỗi khi có chị em gặp khó khăn về kiến thức chăn nuôi lợn, chị luôn chỉ bảo tận tình, hướng dẫn cách chăm sóc lợn nái, lợn con và cách phòng trừ dịch bệnh. Từ sự hướng dẫn tận tình của chị, nhiều hội viên đã xây dựng được mô hình kinh tế chăn nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, chị Hương luôn được chị em phụ nữ trong thôn, trong xã quý mến.
Với những nỗ lực trên, từ năm 2010- 2014, gia đình chị Hương luôn đạt gia đình văn hóa xuất sắc. Bản thân chị nhiều năm liền được cấp ủy, chính quyền xã Thiện Kỵ và Hội Phụ nữ huyện hữu Lũng biểu dương, khen thưởng.
Ý kiến ()