Người phụ nữ dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế
Chị Lành Thị Nự (ở giữa) cung ứng thức ăn chăn nuôi gia súc cho khách hàng |
Chị Nự từng học ngành thú y nhưng sau khi lập gia đình, sinh con, cuộc sống bộn bề khiến chị không thể theo đuổi được đúng ngành học, nên chị không có duyên làm cán bộ nhà nước. Tuy nhiên, chị nghĩ ngành học của mình cũng có thể phục vụ việc phát triển kinh tế gia đình. Với suy nghĩ ấy, năm 2002, chị Nự mở cửa hàng bán thuốc thú y tại nhà. Do cửa hàng với quy mô nhỏ, sức bán không nhiều nên thu nhập không đủ trang trải cuộc sống của gia đình, chị đã nhiều đêm trăn trở suy nghĩ tìm hướng làm giàu. Chị bàn với chồng mạnh dạn mở rộng quy mô kinh doanh, bán thêm các mặt hàng phục vụ nhu cầu chăn nuôi của bà con trong xã, cùng với đó là tập trung vào chăn nuôi lợn thịt.
Để mở đại lý bán thuốc thú y và thức ăn gia súc cần có số vốn đến hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên, trong nhà chỉ có ít vốn liếng không đủ để đầu tư, chị đã mạnh dạn vay ngân hàng 100 triệu đồng và vay thêm tiền của họ hàng về làm vốn. Lo xong vốn, chị lại lo tìm mặt hàng để cung ứng cho bà con. Chị Nự kể: “Lúc sắp mở đại lý (năm 2004), tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu thị trường thậm chí ra tận thành phố Lạng Sơn học hỏi cách kinh doanh từ các chủ cửa hàng bán thức ăn gia súc. Qua đây, biết được nhu cầu của người chăn nuôi tôi đã mạnh dạn nhập nhiều mặt hàng thức ăn cho lợn, gà… về bán. Những năm 2004 – 2007, bà con rất ưa chuộng cám công nghiệp AF của Hoa Kỳ nên tôi chủ yếu bán mặt hàng này. Dần dần có vốn, tôi đã đầu tư bán thêm các loại ngô, cám, gạo khác cho gia súc, gia cầm”. Hiện tại đại lý bán thuốc thú y và thức ăn gia súc, gia cầm của chị Nự là một trong những đại lý cung ứng lớn ở xã Tân Đoàn với đa dạng, phong phú về mặt hàng. Từ kinh doanh dịch vụ, trung bình mỗi năm, gia đình chị lãi khoảng 200 triệu đồng.
Không chỉ kinh doanh dịch vụ, chị Nự còn là người “mát tay” trong chăn nuôi. Với kiến thức học được về chuyên ngành thú y, từ năm 2006, chị lựa chọn chăn nuôi lợn để bán. Ban đầu chị chỉ nuôi 3 – 4 con/lứa, sau khi có vốn, chị nâng số lượng lên từ 20 đến 40 con/lứa. Để không mất nhiều vốn mua lợn con giống, chị nuôi 1 con lợn nái, mỗi năm sinh sản khoảng 20 con lợn con. Với kỹ thuật chăm sóc tốt, mỗi năm, gia đình chị xuất chuồng 3 lứa lợn thịt, đem lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng lãi. Từ số tiền dành dụm, tích góp được trong phát triển kinh tế, gia đình chị Nự đã xây dựng được căn nhà 3 tầng khang trang, kiên cố và nuôi các con ăn học, trưởng thành.
Bà Nông Thị Kỳ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Đoàn cho biết: Chị Nự là người phụ nữ rất có ý chí, nghị lực, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế. Chị Nự cũng luôn chia sẻ với các chị em hội viên phụ nữ khác và bà con trong thôn, trong xã cách chăn nuôi lợn, làm kinh tế để chị em và bà con cùng tiến bộ. Từ năm 2013-2017, chị Nự luôn được Hội Phụ nữ và UBND xã công nhận là gương điển hỉnh trong sản xuất, kinh doanh giỏi.
Ý kiến ()