Người phụ nữ dám nghĩ, dám làm
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn là cán bộ hội năng động, góp sức xây dựng các phong trào thi đua của địa phương. Những việc chị làm, cũng chính là ước mơ và ý chí của hàng triệu người dân vươn lên làm giàu cho gia đình, cho xã hội từ những mảnh ruộng của mình. Chị là Đặng Thị Chiến ở tổ dân phố số 7, phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Nhìn dáng người nhỏ nhắn “đậm chất nông dân”, không ai nghĩ chính chị là người thiết kế, giám sát thi công ngôi nhà của gia đình, rộng gần 130 m 2 , ba tầng khang trang bề thế, nổi bật giữa tổ dân phố số 7, phường Phú Lương, nơi vẫn còn nguyên hình ảnh của một vùng quê thuần nông. Đưa chúng tôi đi thăm khu trồng nấm và gần một sào trồng thí điểm cây măng tây xanh, chị Chiến chia sẻ: “Năm 2002, tôi cùng các chị em trong Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Lương (khi ấy Phú Lương còn là xã) đã tìm hiểu và tham gia khóa học về kỹ thuật trồng nấm. Thời điểm ấy, cây nấm được coi như một loại thực phẩm quý, nhu cầu của xã hội tăng cao, cho nên tôi mới quyết định trồng”.
Kinh nghiệm chưa có, nhưng chị Đặng Thị Chiến vẫn mạnh dạn làm và từng bước mở rộng diện tích, trồng thêm nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ, linh chi. Theo chị, để trồng nấm, trước hết phải đam mê, chịu khó, vừa làm vừa học, làm bằng được. Khi đã hiểu và bắt đầu trồng, suốt ngày chị quay theo vòng quay của cây nấm. Nấm sò có thể trồng quanh năm, nấm rơm phát triển vào mùa nóng, nấm mỡ lại phù hợp mùa rét… Cứ thế các lứa nấm nối nhau phát triển, mỗi vụ chị Chiến thu từ bốn đến năm tấn, trừ các khoản chi phí, lãi hàng trăm triệu đồng. Mạnh dạn đi đầu trong trồng các loại giống mới, nhưng tính toán chắc chắn, khi nào ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm chị mới trồng. May mắn là chị luôn được các hội nông dân, từ thành phố đến phường động viên và hỗ trợ nhiều mặt.
Sáng tạo trong sản xuất, chị Chiến cũng là người luôn quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm giúp các hộ trồng nấm; tạo việc làm cho 10 lao động, mỗi tháng thu nhập 2,5 triệu đồng/người. Bây giờ tại địa phương đã có bảy hộ trồng nấm hiệu quả như gia đình chị. Năm 2013, vườn nấm của chị Đặng Thị Chiến được tôn vinh là “Thương hiệu phát triển bền vững”.
Tháng 4-2014, chị Chiến lại là người “mở đường” cho địa phương, trồng thí điểm cây măng tây xanh trên diện tích 250 m 2 . Chị cùng cán bộ phường đến huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội tìm hiểu mô hình trồng loại cây mới này, liên hệ với một công ty nông sản thực phẩm ở Hà Nội nhờ chuyển giao kỹ thuật; nhờ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam giới thiệu bao tiêu sản phẩm. Bên luống măng tây xanh đã cho thu hoạch, chị giới thiệu khá tỉ mỉ về quy trình trồng, chăm bón và thu hoạch. Sau hai tháng rưỡi, cây măng tây cho đợt thu hoạch đầu tiên. Nếu trồng một ha, năm thứ nhất, trừ hết mọi chi phí ban đầu sẽ lãi 30 triệu đồng; từ năm thứ hai đến năm thứ bảy lãi từ 500 triệu đến 700 triệu đồng/năm. Để có cây măng ngon, phải cắt từ bốn giờ sáng cho đến trước khi mặt trời mọc. “Nghe tiếng thơm”, một số phường trong quận Hà Đông, các xã ở huyện Chương Mỹ đã đến thăm mô hình trồng măng tây xanh của gia đình chị; có đơn vị ký hợp đồng với chị Chiến cung ứng giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng 5 ha. Hiện tại, chị đang ươm hàng trăm bịch cây măng tây xanh do Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đặt hàng.
Lam lũ, vất vả, nhưng có khi trắng tay. Chị Chiến nhớ mãi đợt trồng mộc nhĩ năm trước, sắp thu hoạch, chẳng may mưa kéo dài 10 ngày liền, lại không có mái che, toàn bộ mộc nhĩ bị thối hết, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Vừa sản xuất giỏi, chị Đặng Thị Chiến còn là một cán bộ phụ nữ có thâm niên hàng chục năm. Là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phú Lương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 7, chị cùng các hội viên phụ nữ tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhất là trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nhiều việc làm thiết thực. Năm 2013, chị vận động chị em phụ nữ trong cụm Nhân Trạch cùng phụ nữ phường Phú Lương quyên góp tiền, quần áo, sách vở… trị giá 50 triệu đồng và tổ chức lên tận xã vùng cao Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang để tặng quà các hộ thương binh, liệt sĩ, hộ phụ nữ nghèo và học sinh.
Nói về chị Đặng Thị Chiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông Nguyễn Thị Hảo chia sẻ: “Chị Chiến là người cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, không nề hà bất cứ việc gì, hết lòng giúp chị em phát triển kinh tế. Chị là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()