Người phụ nữ đảm đang
Đó là chị Nguyễn Thị Lân ở thôn Cã Trong , xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng. Gần 20 năm hoạt động trong phong trào phụ nữ xã thì quá nửa thời gian chị làm chủ tịch hội, ở cương vị này chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp từ trung ương, đến tỉnh, huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ”. Người dân trong vùng biết đến chị, không chỉ là người tích cực tham gia hoạt động xã hội mà còn là người làm kinh tế giỏi. Ngoài 5 ha vườn rừng, đồi bãi, mùa nào thức ấy, quanh năm quay vòng “không cho đất nghỉ” đã cho gia đình chị đủ ăn đủ mặc và nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Hơn 10 năm nay, gia đình chị còn “phất” lên từ nghề chăn nuôi lợn, mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi ra thăm khu chăn nuôi của gia đình, chị Lân cho biết: Trước kia tôi chỉ nuôi lợn bột (lợn thịt), nhưng bây giờ đã “chuyển giao công nghệ” cho người khác để nuôi lợn nái. Tôi phát hiện thấy hầu như cả vùng này bà con đều phải mua lợn giống của cánh lái buôn dưới xuôi lên, vừa đắt lại không rõ nguồn gốc nên nhiều điều phiền toái lắm. Thế là tôi học cách nuôi lợn nái để phục vụ bà con. Ban đầu tôi chỉ nuôi thử dăm bảy con xem thế nào. Sau khi biết cách nuôi rồi, có kinh nghiệm tôi mạnh dạn phát triển đàn lợn mỗi ngày một nhiều lên. Bây giờ trong chuồng nhà tôi có 20 con lợn rừng, 11 con lợn “ta”. Quan sát đàn lợn nhà chị, con nào, con nấy lông mượt mà. Chỉ vào con lợn rừng to nhất chuồng, chị bảo, hơn một tháng nữa nó mới đẻ nhưng đã có người đến đăng ký mua con của nó rồi đấy. Giá lợn “ta” trung bình thì trên 400.000 đồng/kg, lợn rừng thì 180.000 – 200.000 đồng/kg. Mỗi năm 2 lứa, mỗi con mỗi lứa trung bình đẻ 9 đến 10 con. Đến khi xuất chuồng, mỗi con lợn con trung bình 10 kg. Điều tôi cảm phục nữa ở chị là hầu như thức ăn hàng ngày cho trên 30 con lợn nái và những đàn con của nó đều do gia đình chị sản xuất ra. Chất bột từ ngô, khoai, sắn đến rau cỏ các loại đều là “cây nhà lá vườn” cả. Thường thì khu chăn nuôi bao giờ cũng có mùi hôi thối, nhưng ở đây tôi vẫn thấy sạch sẽ, tất cả các gian chuồng và xung quanh đều không thấy có phân hoặc rác rưởi, bẩn thỉu. Nguyên nhân, được chị giải thích, cả một hệ thống máng dẫn chất thải từ các gian chuồng ra bể Biôga. Đây là đường dẫn ga về nhà bếp để nấu nướng, về nhà trên để thắp sáng. Nước thải từ bể bi-ô-ga dùng để tưới cây, rau cỏ trong vườn. Chị bảo riêng phần chất đốt thôi, nhờ có bi-ô-ga mà mỗi năm gia đình chị đã tiết kiệm được hàng triệu đồng, còn điện thắp sáng thì “vô tư”. Mỗi khi mất điện lưới quốc gia thì gia đình chị vẫn “bình chân như vại”. Hiện nay ở xã Minh Sơn nhiều gia đình đã có bể bi-ô-ga rồi. Chị Lân quả là “một nông dân trí thức” như các anh ở Hội nông dân huyện Hữu Lũng nói; chị tinh thông hầu hết các nghề của nhà nông. Khi đã thành thạo, chị lại đi phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn cho mọi người trong xóm, ngoài làng cùng làm, với một mong muốn duy nhất là “không những thoát được nghèo mà còn phải tiến tới giàu có, văn minh”.
Chị Nguyễn Thị Lân, một phụ nữ đảm đang, giàu nghị lực, được chính quyền và các đoàn thể, bà con nơi cư trú tôn vinh “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Gia đình chị liên tục dạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”. Bản thân chị đạt danh hiệu “Phụ nữ tích cực, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Tuy đã nghỉ hưu nhưng mọi phong trào của phụ nữ trong xã, chị vẫn nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Hiện nay chị đang cùng phụ nữ xã tích cực tuyên truyền cuộc vận động “5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, bước đầu đã thu được những kết quả đáng khen ngợi.
Ý kiến ()