LSO- 20 năm qua, có một người phụ nữ đã gắn bó với công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Lạng Sơn, chị là Nông Minh Hồng, cán bộ Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội (LĐTBXH) thành phố Lạng Sơn. Về quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố đã lâu, chị Hồng không những nắm được tên, vị trí từng ngôi mộ mà thuộc cả quê quán đến ngày sinh, ngày mất của các liệt sỹ đang yên nghỉ nơi đây. Chị Nông Minh Hồng chăm sóc phần mộ các liệt sỹ tại nghĩa trang thành phố.Nghĩa trang liệt sỹ thành phố hiện có 462 phần mộ của các liệt sỹ khắp cả nước, trong đó có 52 mộ liệt sỹ chưa biết tên, phần mộ của các liệt sỹ quê ở Bắc Giang và Lạng Sơn là nhiều nhất. Chị Hồng cho biết, công việc chính của chị là vệ sinh khuôn viên nghĩa trang, kiểm tra các khu mộ và chăm sóc cây xanh. Vào những dịp lễ tết hay ngày kỷ niệm, khi có nhiều đoàn khách đến thăm viếng, chị kiêm luôn cả nhiệm vụ hướng dẫn và giới...
LSO- 20 năm qua, có một người phụ nữ đã gắn bó với công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Lạng Sơn, chị là Nông Minh Hồng, cán bộ Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội (LĐTBXH) thành phố Lạng Sơn. Về quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố đã lâu, chị Hồng không những nắm được tên, vị trí từng ngôi mộ mà thuộc cả quê quán đến ngày sinh, ngày mất của các liệt sỹ đang yên nghỉ nơi đây.
Chị Nông Minh Hồng chăm sóc phần mộ các liệt sỹ tại nghĩa trang thành phố.
Nghĩa trang liệt sỹ thành phố hiện có 462 phần mộ của các liệt sỹ khắp cả nước, trong đó có 52 mộ liệt sỹ chưa biết tên, phần mộ của các liệt sỹ quê ở Bắc Giang và Lạng Sơn là nhiều nhất. Chị Hồng cho biết, công việc chính của chị là vệ sinh khuôn viên nghĩa trang, kiểm tra các khu mộ và chăm sóc cây xanh. Vào những dịp lễ tết hay ngày kỷ niệm, khi có nhiều đoàn khách đến thăm viếng, chị kiêm luôn cả nhiệm vụ hướng dẫn và giới thiệu cho khách. Tưởng chừng đơn giản nhưng việc quét dọn khuôn viên rộng 5.382 m 2hàng ngày không hề đơn giản. Thế nhưng có bàn tay chăm sóc của chị Hồng, những ngôi mộ liệt sỹ không còn cô quạnh; khuôn viên nghĩa trang sạch đẹp, thoáng đãng.
Chị Nông Minh Hồng theo dõi nhật ký quản trang
Từ một phụ nữ nông thôn ở vùng quê Đào Viên, huyện Tràng Định, chị theo chồng ra Lạng Sơn. Rồi chị cũng bén duyên với nghề. Là phụ nữ, ban đầu nhìn đám cỏ gianh cao ngút đầu, chị Hồng cũng không khỏi trăn trở với công việc mình phải đảm nhiệm. Nhưng rồi tấm lòng biết ơn, trân trọng với các liệt sỹ và tâm nguyện góp sức nhỏ bé giúp anh linh các liệt sỹ được yên nghỉ đã tiếp thêm động lực giúp chị làm tốt công việc của mình. 20 năm, trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng, khuôn viên nghĩa trang giờ đã khang trang hơn rất nhiều. 20 năm cũng là từng ấy thời gian chị Hồng chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động. Chị còn nhớ đêm mùa đông sương muối năm 2001, lúc đó khoảng 2-3 giờ sáng, một gia đình thân nhân liệt sỹ tận Đô Lương, Nghệ An ra nghĩa trang bốc mộ. Khi đó trong đoàn có bà cụ là mẹ liệt sỹ hơn 80 tuổi nhưng vẫn đến tận mộ con. Đôi tay gầy guộc, run rẩy theo thời gian ôm chặt lấy phần mộ của con. Mẹ khóc ngất trong nước mắt. Chị Hồng xúc động: “chứng kiến cảnh những thân nhân liệt sỹ lên thăm viếng, cảm nhận được nỗi lòng thầm kín của các thân nhân, tôi tự nhủ sẽ chăm sóc phần mộ các anh chu đáo hơn nữa để gia đình các liệt sỹ được ấm lòng và các anh yên nghỉ thanh thản”. Chị cũng cho biết, tháng 7-tháng 8 âm lịch là thời điểm có nhiều mộ chuyển đi nhất, trung bình mỗi năm 7-8 mộ chuyển đi. Khi đó niềm vui, nỗi buồn chen lẫn nhưng với người quản trang đó lại là niềm vui đoàn tụ, vì với chị, cuối cùng các anh đã gặp lại gia đình. Điều làm chị Hồng cũng như lãnh đạo Phòng LĐ TBXH thành phố trăn trở là hiện nay nghĩa trang chỉ còn 7 ngôi mộ trống, trong khi hàng năm có từ 7-8 hài cốt của các liệt sỹ được quy tập tại đây. Đó cũng là mong muốn thể hiện lòng biết ơn, tri ân với những người có công với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Có nhiều cách để thế hệ hôm nay thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với sự hy sinh của các liệt sỹ, song với chúng tôi, hình ảnh về người nữ quản trang Nông Minh Hồng tận tụy, thầm lặng ru yên giấc ngủ những người con của đất mẹ anh hùng đã thể hiện phần nào tấm lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh với thế hệ đã không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc.
Thanh Hòa
Ý kiến ()