Thứ 4, 27/11/2024 09:34 [(GMT +7)]
Người phi công năm xưa vẫn vững vàng bản lĩnh "Bộ đội Cụ Hồ"
Thứ 4, 19/12/2012 | 18:17:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khi chúng tôi công tác gần cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) tỉnh ở Đồng Bành (huyện Chi Lăng); chị Dương Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch HLHPN tỉnh thường tâm sự về người chồng là phi công lái máy bay chiến đấu. Vì anh bận công tác nên rất ít thời gian về phép. Chúng tôi cảm thông hoàn cảnh của chị và động viên chị; thấy qua ánh mắt, nụ cười của chị ngời lên niềm tin của người phụ nữ Bắc Sơn trong tình cảm da diết, đợi chờ… Chúng tôi tự hào về quê hương mình – thời kỳ ấy có con em vinh dự là phi công tham gia chiến đấu bảo vệ vùng đất, vùng trời của tổ quốc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Tác giả chụp ảnh cùng ông Thăng – Ảnh: Vũ Bách
Vậy mà, sau gần 20 năm trôi qua, chúng tôi mới có dịp may mắn được gặp anh, nắm chặt tay nhau ngay bên đường về bản làng xã Quỳnh Sơn yêu dấu của anh. Tôi được toại nguyện gặp người chiến sỹ không quân nhân dân Việt Nam anh hùng, lòng tràn đầy niềm vui. Còn anh, có lẽ không khỏi bất ngờ đón lấy tình cảm chúng tôi trong giây phút đầy xao xuyến… Thế rồi, tình thân ái của chúng tôi đã sớm gắn bó với anh trong lần gặp hiếm có này. Anh tâm sự đôi điều về mình và vui vẻ mời chúng tôi về gia đình ăn cơm trưa. Vì đang có chương trình làm việc, chúng tôi đành cảm ơn anh và hẹn một dịp khác… khá lâu rồi cũng chưa gặp lại, vẫn đinh ninh sẽ về thăm anh.
Bà Dương Thúy Quynh, cán bộ phụ trách Hội người cao tuổi huyện Bắc Sơn vừa đến thăm gia đình anh, nay niềm nở kể chuyện: Anh ấy, nay lên ông nội lâu rồi, ông là Dương Công Thăng đi bộ đội từ năm 1965; thiếu tá quân đội đã nghỉ hưu năm 1987, đã có 22 năm phục vụ trong quân chủng phòng không không quân nhân dân Việt Nam… Theo lời kể của bà Quynh, chúng ta cảm phục tinh thần phấn đấu của ông:
Với 22 năm trong quân đội, kể từ năm 1966, ông đã liên tục phấn đấu học tập, rèn luyện vượt qua bao khó khăn đòi hỏi sức khỏe, trí thông minh và sáng tạo, trở thành chiến sỹ lái làm chủ kỹ thuật bay hiện đại, phi đội trưởng đội bay Mích 21.
Quá trình học tập và công tác của ông gắn liền với những địa chỉ và thời gian đã ghi vào trang sử của không quân nhân dân Việt Nam. Ông học lái tại Tường Vân (Trung Quốc) (1966-1969); là giáo viên lái Mích 17 tại Trường Không quân Việt Nam (ở Trung Quốc) (1970-1973); lái Mích 19 tại sân bay Yên Bái (1973 -1979); đại úy, phi đội trưởng bay Mích 21 tại sân bay Đà Nẵng (1979-1981); trợ lý huấn luyện bay tại Cục Huấn luyện Bộ Tư lệnh không quân nhân dân Việt Nam (1981-1986).
Phát huy truyền thống, bản chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”, khi trở về địa phương, ông được dân yêu mến, Đảng tin cậy giao nhiệm vụ quan trọng: Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Sơn nhiệm kỳ 1989-1995, Chủ tịch HĐND xã đến năm 1999. Ông đã cùng Đảng bộ tăng cường đoàn kết, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể và nhân dân các dân tộc xây dựng xã nhà giữ vững phong trào thi đua, làm tiền đề cho sự phát triển như ngày nay.
Sau khi nghỉ công việc ở xã, từ đầu năm 2000 đến nay, ông đã cùng gia đình tích cực làm kinh tế, dạy dỗ con cháu, cải thiện mọi mặt đời sống gia đình: ông đã làm được ngôi nhà sàn khang trang; cùng gia đình làm 5 sào ruộng, 3 sào nương, thường xuyên nuôi 50 gà mái đẻ và 2 con bò. Nhờ đó, chủ động cải thiện đời sống gia đình, chăm sóc sức khỏe ông bà, giúp đỡ con cháu học hành, rèn luyện tốt. Ông có con trai, con dâu là cán bộ nhà nước, hai cháu nội chăm ngoan, học giỏi, là cháu ngoan Bác Hồ. Hàng năm gia đình ông luôn được nhân dân thôn bản bình bầu là gia đình văn hóa, xứng đáng gia đình đạt danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Bản thân ông đã được Đảng, Nhà nước và quân đội tặng thưởng: Huân chương kháng chiến hạng Ba; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Huy chương chiến sỹ vẻ vang hạng 1, hạng 2, hạng ba, kỷ niệm chương cựu chiến binh và nhiều giấy khen khác.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()