Người phi công đầu tiên "đánh gục" pháo đài bay B52
Một chiều đầu tháng 12-2012, tôi tìm gặp Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng LLVTND, nguyên phi công Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân), người phi công đầu tiên lái máy bay MiG-21, mang số hiệu 5121, đã "đánh gục" pháo đài bay B52, trong trận chiến đấu đêm 27-12-1972.Trong phòng khách tầng một, ngôi nhà bốn tầng của gia đình Anh hùng Phạm Tuân (trong ảnh), trên tường cũng như trên tủ, kệ là những kỷ vật "một thời để nhớ", đã gắn bó với anh trong cuộc đời binh nghiệp, được bài trí gọn gàng, ngăn nắp. Tìm hiểu về chuyện đánh máy bay B52 của Mỹ cách đây 40 năm về trước, gương mặt đôn hậu, bằng chất giọng của người quê lúa Thái Bình, Anh hùng Phạm Tuân bồi hồi nhớ lại: Ngay trong đêm 18-12-1972, mở màn cuộc tập kích chiến lược đường không, địch đã đồng loạt dùng máy bay F111 ném bom tất cả các sân bay, nhất là sân bay trong và gần địa bàn Hà Nội. Ban ngày, chúng tìm đánh phá các trận địa tên lửa và ra-đa, nên đã...
|
Trong phòng khách tầng một, ngôi nhà bốn tầng của gia đình Anh hùng Phạm Tuân (trong ảnh), trên tường cũng như trên tủ, kệ là những kỷ vật “một thời để nhớ”, đã gắn bó với anh trong cuộc đời binh nghiệp, được bài trí gọn gàng, ngăn nắp. Tìm hiểu về chuyện đánh máy bay B52 của Mỹ cách đây 40 năm về trước, gương mặt đôn hậu, bằng chất giọng của người quê lúa Thái Bình, Anh hùng Phạm Tuân bồi hồi nhớ lại: Ngay trong đêm 18-12-1972, mở màn cuộc tập kích chiến lược đường không, địch đã đồng loạt dùng máy bay F111 ném bom tất cả các sân bay, nhất là sân bay trong và gần địa bàn Hà Nội. Ban ngày, chúng tìm đánh phá các trận địa tên lửa và ra-đa, nên đã gây cho ta nhiều tổn thất; trong đó, không quân ta có bốn máy bay khi quay về hạ cánh đã bị gãy càng, hoặc bị lật ngửa vì đường băng bị bom Mỹ đánh hỏng… Địch còn bố trí nhiều tốp máy bay khống chế sân bay, phối hợp các loại nhiễu gây khó khăn cho ta. Đánh máy bay B52, ngoài khó khăn bị các máy bay tiêm kích của địch khống chế, uy hiếp nhiều tầng, nhiều lớp, thì phi công ta phải điều khiển máy bay cất, hạ cánh trong điều kiện ban đêm, đường băng ngắn, hẹp, thiếu đèn chiếu sáng… Đến ngày 27-12, chiến dịch đã qua gần 10 ngày, lực lượng phòng không, nhất là bộ đội tên lửa đã bắn rơi nhiều máy bay B52 và các loại máy bay khác của địch. Không quân ta đã xuất kích nhiều lần, bắn rơi một số máy bay chiến thuật. Sự xuất hiện của không quân ta đã làm giãn đội hình và phân tán sự đối phó của địch, tạo điều kiện tốt để lực lượng phòng không ta lập công. Tuy nhiên, không quân ta vẫn chưa bắn rơi được chiếc máy bay B52 nào. Là những phi công làm nhiệm vụ chiến đấu ban đêm ngày ấy, chúng tôi cảm thấy như mình có lỗi, chưa làm tròn nhiệm vụ. Từ thực tế chiến đấu, không quân ta đã thay đổi cách đánh B52, bằng việc đưa máy bay MiG-21 ra các sân bay vòng ngoài và sân bay dã chiến để cất cánh đánh B52…
Sau khi chuyển máy bay lên sân bay Yên Bái, 22 giờ 15 phút, ngày 27-12-1972, tôi nhận được lệnh Sở Chỉ huy (SCH) báo động và hiệu lệnh máy bay cất cánh ngay. Lên khỏi mây khoảng 1.000 m, phát hiện thấy hai máy bay F-4 của địch bay cắt ngang phía trước, tôi báo cáo về SCH và nhận được lệnh: Tránh F-4 mà đi (thời kỳ ấy, chúng tôi không được đánh F-4, tất cả các vũ khí chỉ dành để đánh B52). Vòng về phía bắc để F-4 của địch bay cắt ngang, sau đó tôi lái máy bay vòng lại hướng tây nam và tiếp tục lên độ cao 4.000 m, thì phát hiện tốp máy bay F-4 thứ hai, tôi báo cáo về SCH, lại nhận được lệnh cơ động vượt qua F-4, giữ hướng đi về phía nam. Được SCH Mộc Châu lệnh vòng trái hướng 90 độ, khi đang vòng trái ở độ cao khoảng 7.000 m, tôi phát hiện được hai dãy đèn. Sau khi quan sát kỹ, tôi báo cáo phát hiện B52. SCH lệnh tăng tốc để bám sát B52. Vòng bám phía sau B52 ở độ cao 9.000 m, tôi được SCH thông báo: “361 mục tiêu phía trước 12 km”, rồi 10 km… Khi tốc độ máy bay lên tới hơn 1.300 km/giờ, đến cự ly khoảng năm km, nhìn thấy dãy đèn bên trái sáng hơn, tôi báo cáo xin phép công kích chiếc bên trái và được SCH nhất trí. Đến cự ly ba km, SCH Quân chủng lệnh: “361 phóng tên lửa, thoát ly ngay bên trái”. Tôi trả lời ngắn gọn: “Chờ một tý”. Tiếp tục khẩu lệnh thứ hai được nhắc lại, để chắc chắn hơn, tôi vẫn trả lời: “Chờ một tý”. Sau khẩu lệnh thứ ba rất gấp gáp, tôi trả lời: “Nghe tốt” và chỉnh điểm ngắm, ấn nút phóng hai quả tên lửa. Tên lửa bay ra sáng nhòa phía trước phủ cả mục tiêu, tôi chỉ kịp kéo lên lật ngửa máy bay đã thấy điểm nổ phía dưới. Tắt tăng lực, quan sát phía sau, vừa hồi hộp, vừa lo lắng không để ý đến trạng thái máy bay. Nhìn vào buồng lái, thấy máy bay đang bổ nhào ở tốc độ lớn, kéo máy bay ra lúc đó ở độ cao khoảng 2.000 m. Khi bay lên ở độ cao 3.000 m, nhìn lên thấy còn nhiều đèn máy bay B52, tôi báo cáo về SCH và nhận được trả lời: “361 về hạ cánh ở sân bay xuất phát, đã có tốp khác lên làm nhiệm vụ”.
Trở về sân bay, nằm trong hầm, tôi hồi hộp và trằn trọc không sao ngủ được, không biết mình đã bắn tên lửa, liệu B52 có rơi tại chỗ hay không? Đến gần sáng thì tôi nhận được tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện chúc mừng và Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin buổi sáng thông báo chính thức không quân ta bắn rơi máy bay B52. Tôi vô cùng phấn khởi là phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B52; đó không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là danh dự của lực lượng không quân. Chiều 28-12, tôi đi trực thăng về sân bay Nội Bài. Cán bộ, phi công, chiến sĩ đơn vị đón tôi như đón người đi xa về, gương mặt ai nấy đều rạng rỡ niềm vui; nhất là tâm lý của đội ngũ phi công ta đã được giải tỏa… Nếu tiếp tục đánh B52, thì phi công ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, với quyết tâm: còn một người, một máy bay cũng kiên quyết tiến công; sẵn sàng làm quả đạn tên lửa thứ ba để “hạ gục” B52.
Được biết, từ cuối tháng 11 trở đi, hầu như ngày nào anh Phạm Tuân cũng nhận được đề nghị từ các cơ quan, đơn vị trong nam, ngoài bắc gửi giấy mời, điện thoại, hoặc trực tiếp đến nhà mời tham gia giao lưu, gặp mặt, kể chuyện chiến đấu… Dù đã về hưu, ở tuổi hơn sáu mươi, nhưng với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, Anh hùng Phạm Tuân đã không quản ngại ngày nắng hay mưa để “chạy sô” đáp ứng nguyện vọng của các cơ quan, đơn vị. Anh hùng Phạm Tuân cười hiền: Đội ngũ phi công ta tham gia chiến đấu ngày ấy không nhiều, đồng đội tôi có người còn, người đã hy sinh, nên nhân dịp kỷ niệm này, họ mới “ưu tiên” tôi như thế. Còn khỏe mạnh, nếu làm được gì có ích cho Đảng, cho dân tôi sẽ cố gắng hết mình…
Ra về, hòa vào dòng người đi trên các con đường, ngõ phố Hà Nội nhộn nhịp, tôi thầm cảm phục về tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của quân và dân ta, trong đó có đội ngũ phi công của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ ngày ấy, đã góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()