Người nuôi còn chủ quan
LSO-Ngõ 5, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn có trên 30 hộ gia đình, hầu như nhà nào cũng nuôi chó, mèo để giữ nhà và làm cảnh. Vào các buổi sáng, chiều; nhiều gia đình có thói quen thả chó để chúng tự do vận động và vệ sinh. Đáng nói là ngoài một số ít chó được nuôi làm thú cưng ra khỏi nhà có người dắt thì hầu hết những con còn lại được thả tự do, nhiều con là giống chó lai, hung dữ như: béc - giê, pit - bull khiến người qua đường sợ hãi khi đối mặt. Đáng nói là phần lớn chó nuôi không được tiêm phòng dại đầy đủ khiến nguy cơ lây bệnh sang người là rất lớn.
Chó thả rông trên địa bàn phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn
|
Không riêng khu phố này, rất nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cũng như trên địa bàn tỉnh cũng diễn ra tương tự. Anh Nguyễn Văn Bình, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhà mình nuôi chó để giữ nhà, hằng ngày đều nhốt trong chuồng, tối thì quanh quẩn trong sân chứ ít thả ra ngoài, ít tiếp xúc với người, nhất là người lạ nên mình nghĩ không cần tiêm… Cùng suy nghĩ như anh Bình, rất nhiều gia đình chưa chú trọng công tác phòng bệnh dại cho vật nuôi trong khi đây là trung gian chính lây bệnh dại từ vật sang người.
Bác sỹ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Năm 2017, toàn tỉnh có 5.262 người bị chó, mèo cắn, trong đó có 1 người tử vong nghi do bệnh dại. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 1.649 người bị chó, mèo cắn, riêng tháng 4 có đến 432 người. Rất may chưa có trường hợp nào tử vong. Hiện nay, chi phí tiêm phòng dại đối với người khoảng 1 triệu đồng/người tùy loại thuốc, đây là khoản tiền không hề nhỏ. Theo số liệu của Chi cục Thú y, toàn tỉnh hiện có khoảng 130.000 con chó, mèo. Trong năm 2017, tỷ lệ tiêm phòng cho chó, mèo mới chỉ đạt 20%. Số chó, mèo được tiêm phòng chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố Lạng Sơn và các thị trấn. Còn lại khu vực nông thôn, công tác này chưa được chú trọng. Đáng nói là tại các vùng nông thôn, chó, mèo không được nuôi nhốt mà thả rông quanh nhà, do đó, khi có người bị cắn rất khó xác định con vật, theo dõi cũng như cách ly con bị bệnh để tránh gây hại cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Lạng Sơn cho biết: Theo quy định, người nuôi chó, mèo phải đăng ký với khối trưởng, trưởng thôn để có sự thống kê và quản lý. Cùng đó, không được thả rông chó, mèo; khi cho chó, mèo ra đường phải có người dắt và được rọ mõm đầy đủ. Đặc biệt, người nuôi phải tiêm phòng dại đầy đủ nhằm tránh phát bệnh và lây sang người. Quy định là vậy nhưng việc chấp hành dường như chưa được các cấp, ngành liên quan cũng như người dân chủ động vào cuộc. Đáng nói là cơ quan thú y đã có văn bản gửi các huyện, thành phố yêu cầu thống kê số lượng chó, mèo trên địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Cùng đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các quy định của pháp luật khi nuôi chó, mèo chưa được triển khai sâu rộng. Việc tuyên truyền chủ yếu do cán bộ thú y tự thực hiện bằng cách in các tờ gấp phát cho người dân hoặc tuyên truyền miệng. Công tác này lại không được thực hiện thường xuyên, liên tục nên hiệu quả không cao, từ đó dẫn đến người dân chưa chủ động đưa vật nuôi đi tiêm phòng, thả rông, không nuôi nhốt.
Được biết, năm 2018, tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ 40.000 liều vắc – xin phòng dại cho chó, mèo nhằm góp phần nâng tỷ lệ tiêm phòng dại trên chó, mèo từ 20% lên 40%. Vừa qua, cơ quan thú y đã tiến hành tiêm phòng tập trung cho chó, mèo tại các xã: Quảng Lạc, Hoàng Đồng (thành phố Lạng Sơn); trong tháng 5 sẽ tiếp tục triển khai tại huyện Chi Lăng. Hỗ trợ từ tỉnh là vậy, nhưng nếu không có sự tham gia của người nuôi thì tỷ lệ chó, mèo chưa được tiêm phòng vẫn ở mức cao, nguy cơ lây bệnh sang người là rất lớn. Chính vì vậy, công tác phòng bệnh dại cho chó, mèo cần được các cấp, ngành quan tâm, quan trọng nhất vẫn là người nuôi chó, mèo cần tự giác thực hiện các quy định của pháp luật khi nuôi chó, mèo.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()