Người nông dân và hành trình đưa Quýt Oma lên kệ siêu thị
Thu hoạch Quýt Oma
- Huyện Bắc Sơn có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây quýt. Khai thác lợi thế đó, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã phát triển các mô hình kinh tế từ cây quýt. Nổi bật có mô hình trồng quýt giống Úc theo tiêu chuẩn GlobalGAP của gia đình ông Nguyễn Văn Quyết (sinh năm 1971), tại thôn Nam Hương 2, xã Tân Hương.
Ông Nguyễn Văn Quyết thu hoạch Quýt Oma
Vườn quýt bạt ngàn, quả sai trĩu cành, chín rộ với một màu cam bắt mắt, nổi bật trên nền xanh của núi rừng thung lũng Sa Khao, thôn Nam Hương 2, xã Tân Hương là hình ảnh đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng trong chuyến công tác đến huyện Bắc Sơn vào những ngày cuối tháng 3. Ông Nguyễn Văn Quyết – chủ vườn quýt đón tiếp chúng tôi với một nụ cười hiền hậu, chất phác. Đưa chúng tôi đi tham quan vườn quýt, ông Quyết hào hứng chia sẻ: Mặc dù đã trải qua nhiều nghề từ sửa chữa, bảo dưỡng xe máy đến kinh doanh, buôn bán nhưng vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, lớn lên nhờ ruộng vườn, cây trái nên tôi vẫn luôn trăn trở, khao khát xây dựng, phát triển một mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Xuất phát từ mong muốn đó, sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, nhận thấy trên thị trường nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hoa quả chất lượng ngày càng lớn, cùng với đó là khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với các loại cây ăn quả có múi nên ông Quyết đã mạnh dạn đầu tư trồng giống quýt Úc. Đây là giống quýt có nhiều ưu điểm vượt trội với hàm lượng dinh dưỡng cao, vỏ mỏng, mọng nước và có hương vị thơm ngon, tươi mát.
Năm 2018, mô hình được triển khai với diện tích 10 ha. Vì là giống quýt mới, được trồng với quy mô lớn nên ban đầu gia đình ông Quyết gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển mô hình. Ông Quyết chia sẻ: Thời điểm đầu, do tôi chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, chăm sóc, nên cây quýt còi cọc, dễ bị sâu bệnh hại tấn công. Để có thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc cây, ngoài việc tìm hiểu kiến thức trên sách, báo, internet, tôi còn chủ động đi học hỏi các mô hình sản xuất quýt Úc ở các tỉnh khác như: Lào Cai, Gia Lai… Sau quá trình học hỏi, tôi chọn lọc những cách làm hay, phù hợp với thực tế để áp dụng.
"Mô hình sản xuất quýt Úc của gia đình ông Quyết là mô hình kinh tế nông nghiệp xanh tiêu biểu của huyện. Thời gian tới, phòng tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để đưa sản phẩm đi trưng bày, quảng bá tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phòng sẽ tìm hiểu để kết nối, giới thiệu sản phẩm Quýt Oma với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản uy tín, hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm xuất khẩu." Ông Hoàng Văn Thủy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn |
Để phát triển mô hình một cách hiệu quả, chỉ kiến thức, kỹ năng là không đủ mà cần phải có vốn đầu tư, vì vậy, năm 2021, ông Quyết đã mạnh dạn vay 3,8 tỷ đồng vốn ưu đãi theo Nghị quyết 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Từ nguồn vốn hỗ trợ, ông đã đầu tư mô hình bài bản với hệ thống tưới tiêu tự động, hồ chứa nước, kho bãi tập kết, nhà ở công nhân…
Cùng đó, năm 2021, ông chủ động thuê đơn vị tư vấn, hướng dẫn để chăm sóc 10 ha quýt theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2022, sản phẩm quýt Úc được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Không dừng lại ở đó, với khao khát nâng chất lượng trái cây sản xuất tại Việt Nam ngang tầm với trái cây nhập khẩu, gia đình ông tiếp tục chăm sóc mô hình theo tiêu chuẩn GloblaGAP – tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Theo đó, ông chú trọng sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh để ngăn ngừa nấm bệnh, côn trùng; thực hiện ghi chép đầy đủ nhật ký chăm sóc… Đầu năm 2023, sản phẩm quýt Úc của gia đình ông Quyết được cấp giấy chứng nhận GloblaGAP.
Hiện nay, sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ với tên gọi Quýt Oma, đồng thời có đầy đủ nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc… Nhờ đó, từng bước tạo dựng thương hiệu riêng, đưa nông sản vươn ra thị trường. Cụ thể, sản phẩm Quýt Oma hiện đã được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Winmart. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là sản phẩm hoa quả đầu tiên sản xuất trên địa bàn tỉnh đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt để đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Winmart.
Anh Triệu Thế Vinh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi thường chọn mua hoa quả trong siêu thị Winmart vì uy tín và chất lượng sản phẩm cao. Gia đình tôi rất ưa chuộng Quýt Oma vì đây là giống quýt Úc, mọng nước, hương vị thơm ngon. Sau khi tra tem truy xuất nguồn gốc, tôi rất bất ngờ và tự hào vì biết đây là sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Hiện đang là cuối vụ thu hoạch Quýt Oma (thời gian thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3), dự ước năm nay, sản lượng thu hoạch quýt của gia đình ông Quyết đạt khoảng 150 tấn (gấp 3 lần so với năm 2022 – năm thu hoạch đầu tiên), với giá bán tại vườn là 50.000 đồng/kg, doanh thu ước đạt 7,5 tỉ đồng. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/tháng; tạo việc làm thời vụ cho 20 lao động địa phương với thu nhập 150 – 350 nghìn đồng/ngày/người.
Ý kiến ()