Người nông dân thu tiền tỷ từ nuôi cầy vòi mốc
– “Đánh vật” với mô hình nuôi cầy vòi mốc cả chục năm, đến nay, ông Lương Văn Nhân, sinh năm 1970, thôn Nà Vài, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định đã thu về cho mình cả tỷ đồng mỗi năm từ giống vật nuôi có giá nhưng cũng rất khó nuôi này.
Mô hình nuôi cầy vòi hương, cầy vòi mốc ở Tràng Định không phải mới, số cơ sở nuôi cũng không ít. Tuy nhiên để phát triển thành mô hình lớn, thu về cả tỷ đồng một năm như gia đình ông Lương Văn Nhân thì lại rất hiếm. Ông Nhân chia sẻ: Hiện nay, gia đình có 170 con cầy vòi các loại (cả đực và cái với trọng lượng từ 3-7 kg/con). Từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình tôi xuất bán được 120 con cầy vòi mốc. Trong đó có 80 con cầy giống và 40 con cầy thịt với tổng trị giá được 1,2 tỷ đồng. Trừ chi phí thức ăn, nhân công chăm sóc gia đình vẫn thu về khoảng 1 tỷ đồng. Tôi dự tính những năm tiếp theo, thu nhập sẽ ổn định, thậm chí cao hơn hiện tại do cầy đã trưởng thành, sinh sản ổn định hơn và kỹ thuật chăm sóc của gia đình cũng được nâng lên.
Ông Nhân chăm sóc đàn cầy vòi mốc của gia đình
Để có được thu nhập như ngày hôm nay, ông Nhân cũng trải qua không ít thăng trầm. Ông Nhân nhớ lại: Từ những năm 2002, gia đình tôi đã biết đến giống cầy vòi mốc nhưng đến năm 2015, gia đình chính thức bắt tay vào nuôi. Để nuôi loài vật này, việc đầu tiên gia đình phải xin cấp phép từ cơ quan chức năng. Thời điểm ban đầu, gia đình mua 50 con cầy vòi mốc (gồm cả con đực và con cái) ở các cơ sở nuôi trong và ngoài tỉnh. Lúc mới nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên tình trạng cầy cắn nhau chết diễn ra thường xuyên. Cùng với đó, thức ăn không đảm bảo, không phù hợp dẫn tới cầy thiếu chất, cộng với một vài nguyên nhân khác khiến cho cầy bị “sẩy”, số lượng cầy sinh sản ít. Thời điểm đó, gia đình vừa làm vừa lo mất trắng bởi giá một đôi cầy giống có giá 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, học hỏi giữa những người nuôi với nhau cũng như học trên các phương tiện thông tin đại chúng, dần dần, ông Nhân cũng thuần hóa và thành thục trong việc nuôi, chăm sóc đàn cầy của gia đình. Đến năm 2019, gia đình ông đã gây được đàn cầy bố mẹ (gồm 50 con nái, 40 con đực và một số cầy hậu bị) sinh trưởng và phát triển dần ổn định. Sau khoảng 18 tháng, cầy sẽ bắt đầu sinh sản. Sau khi thụ tinh, khoảng 58-59 ngày cầy sinh con. Mỗi năm đàn cầy sẽ sinh sản 1 hoặc 2 lứa, mỗi lứa từ 2-4 con. Sau 5 tháng cầy đạt trọng lượng từ 1,6-2 kg và có thể bán giống với giá khoảng 20 triệu đồng/đôi. Còn nếu bán thịt, cầy sẽ được nuôi khoảng 8 tháng, trọng lượng trên 4 kg với giá bán khoảng 2 triệu đồng/kg. Thị trường tiêu thụ con giống hay cầy thịt rộng rãi, gia đình chưa bao giờ bị rơi vào tình trạng tồn đọng.
Đến nay, đàn cầy của gia đình ông Nhân đã phát triển tốt, sinh sản đều. Mỗi cặp cầy sẽ có khả năng sinh sản từ 7-9 năm mới phải thay giống (thường thì con đực được 7 năm, con cái 9 năm). Như vậy, trong một vài năm tới, gia đình chỉ cần tập trung chăm sóc đàn cầy bố mẹ và cầy con được sinh ra mà không đầu tư con giống.
Mặc dù giá trị kinh tế từ nuôi cầy vòi mốc mang lại cao nhưng theo ông Nhân, việc đầu tư ban đầu để nuôi loài vật này cũng khá lớn. Trong đó hệ thống chuồng trại xây dựng đúng kỹ thuật, vừa sạch sẽ, thoáng mát nhưng có khoảng cách đảm bảo để cầy không cắn nhau; bảo thức ăn cơ bản như cháo ngô, cháo gạo, cá, hoa quả thì trong giai đoạn sinh sản cầy cần được bổ sung thêm thịt lợn, gà, bò, trứng vịt lộn…
Từ thực tế chăn nuôi của gia đình ông Nhân có thể thấy, mô hình nuôi cầy vòi mốc đem lại hiệu quả kinh tế cao, hoàn toàn có thể nhân rộng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc chăm sóc cần tuân thủ quy trình, quy định nghiêm ngặt cũng như đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cao hơn so với một số loại vật nuôi khác.
“Từ mô hình nuôi cầy vòi mốc của gia đình ông Nhân cùng một hộ khác, đến nay trên địa bàn huyện đã nhân rộng ra 17 cơ sở nuôi cầy vòi mốc và cầy vòi hương. Các cơ sở này đều được cấp phép và cơ quan chức năng kiểm tra đúng quy định”. Ông Hoàng Ngọc Khôi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tràng Định |
Ý kiến ()