Người nông dân làm kinh tế giỏi
– Với sự chăm chỉ, cần cù cùng quyết tâm làm giàu từ nghề chăn nuôi, nhiều năm qua, gia đình ông Hà Văn Ty (sinh năm 1965), thôn Đồng Liên, xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng đã phát triển kinh tế theo hướng xây dựng mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo. Mô hình trên đã đem lại cho gia đình ông thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí và giúp ông trở thành một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn xã.
Ông Hà Văn Ty (bên trái) giới thiệu với cán bộ Hội Nông dân xã Hòa Sơn về kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo
Ông Ty sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo xã Hòa Sơn. Cũng như bao người dân nơi đây, gia đình ông chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Với quyết tâm vươn lên làm giàu, năm 2018, ông Ty đã đầu tư nuôi 10 con trâu vỗ béo, bởi ông nhận thấy có sức đề kháng cao, ít bệnh mà đầu ra lại thuận lợi hơn so với các loài vật nuôi khác.
Những năm đầu mới bắt tay vào mô hình nuôi trâu, ông cũng gặp khá nhiều khó khăn như: chưa có kinh nghiệm trong việc ủ thức ăn cho trâu; chưa biết cách phòng bệnh; chưa tìm được đầu ra ổn định… Để khắc phục dần những khó khăn đó, ông chủ động tìm hiểu kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi trâu vỗ béo thông qua sách báo và tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt (có nội dung chăn nuôi trâu) do Hội Nông dân (HND) xã phối hợp tổ chức. Bên cạnh đó, ông còn tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi trâu tại Bắc Giang.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong chăn nuôi trâu vỗ béo, ông Ty cho biết: Ngay từ khi mua trâu cần chú ý chọn con khỏe mạnh, dáng đi nhanh nhẹn, đầu và chân hoạt động uyển chuyển. Khi cho ăn, nếu con vật khỏe mạnh sẽ ăn luôn, còn nếu bị bệnh hoặc ốm yếu sẽ không ăn hoặc ăn ít. Đặc biệt, khi mua trâu về cần tẩy ký sinh trùng bằng thuốc uống, thuốc tiêm và cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng… trong quá trình nuôi.
Theo đó, năm 2020, ông Ty đã đầu tư xây dựng chuồng trại với diện tích hơn 450 m2 đảm bảo thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Cùng với đó, ông còn tận dụng các khu vực đất xung quanh nhà để trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn chủ động quanh năm cho trâu. Đáng chú ý, ông còn chú trọng vào nguồn thức ăn cho vật nuôi. Cụ thể, ông không đào hố ủ thức ăn mà ủ luôn vào bao để thức ăn không bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của vật nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, ông luôn theo dõi sát sao lượng thức ăn của đàn trâu để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu của vật nuôi và kịp thời phát hiện, điều trị nếu trâu có biểu hiện ốm, bị bệnh. Ngoài ra, toàn bộ chất thải chăn nuôi, ông tận dụng làm phân bón cho cây trồng hoặc bán cho các hộ dân dùng làm phân bón khi cần.
Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, mô hình chăn nuôi trâu của ông luôn phát triển tốt. Sau khoảng 3 – 4 tháng nuôi vỗ béo, trâu được xuất bán. Để tìm đầu ra cho trâu, ông chủ động bắt mối với các thương lái thu mua trâu sang Trung Quốc và xuất bán đến một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… Cũng từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất bán 3 hoặc 4 lứa với tổng số hơn 50 con trâu đem lại thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Ông Dương Văn Mậu, Chủ tịch HND xã cho biết: Ngoài làm kinh tế giỏi từ mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo, ông Ty còn là một trong những hội viên nông dân nhiệt tình, luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm để giúp đỡ người dân cùng vươn lên phát triển kinh tế. Thời gian tới, HND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nhân rộng mô hình này để giúp bà con tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.
Ý kiến ()