Người nông dân làm giàu từ trồng cây ăn quả
– Với quyết tâm và tinh thần ham học hỏi, ông Nông Văn Đường (sinh năm 1974), thôn Bản Roọc, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình đã từng bước vươn lên làm giàu với mô hình trồng cây ăn quả. Ông Đường là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn xã với thu nhập bình quân hơn 150 triệu đồng/năm.
Những ngày đầu tháng 9/2022, phóng viên có dịp đi cùng cán bộ xã Tú Mịch đến tham quan mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Nông Văn Đường tại thôn Bản Roọc, xã Tú Mịch. Ấn tượng với chúng tôi là hình ảnh những quả cam đường Canh căng mọng dưới những tán lá xanh mướt.
Ông Nông Văn Đường, thôn Bản Roọc, xã Tú Mịch chăm sóc cây cam đường canh
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đường cho biết: Năm 1991, sau khi lập gia đình, hai đứa con lần lượt ra đời, kinh tế chủ yếu dựa vào làm ruộng nên đời sống càng gặp nhiều khó khăn. Do đó, vợ chồng tôi luôn trăn trở làm thế nào để vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Năm 2015, có dịp về Bắc Giang tham quan mô hình trồng cây ăn quả, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình đem lại nên tôi đã bàn bạc cùng vợ và quyết tâm thực hiện tại quê mình.
Cuối năm 2015, ông Đường chủ động vay mượn anh em, bạn bè để mua hơn 1.400 cây cam đường Canh và hơn 300 gốc bưởi về trồng trên diện tích hơn 1,3 ha. Những năm đầu mới bắt tay vào xây dựng mô hình, ông gặp không ít khó khăn do chưa có kiến thức, chưa biết cách chăm sóc nên cây bị vàng lá, thối rễ, chết cây…
Để giải quyết các khó khăn đó, ông chủ động tìm hiểu kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cam đường Canh, cây bưởi… thông qua sách báo, mạng internet và tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt (có nội dung chăm sóc cây ăn quả) do Hội Nông dân (HND) xã phối hợp tổ chức. Đặc biệt, ông luôn chú trọng tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Cụ thể, trong chăm sóc ông luôn ưu tiên áp dụng các kỹ thuật như: bón phân hữu cơ; dọn cỏ bằng hình thức thủ công; tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc phun diệt cỏ…
Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hoạch hơn 9 tấn cam đường Canh, bưởi với giá bán trung bình khoảng 20 – 25 nghìn đồng/kg đem lại thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Đáng chú ý, do chất lượng quả được khách hàng đánh giá là ngon, ngọt và đảm bảo chất lượng nên mỗi năm khi đến mùa thu hoạch, vườn quả của gia đình ông đều được các thương lái trong và ngoài huyện tìm đến tận nơi để đặt và thu mua.
Không chỉ sản xuất giỏi, gia đình ông Đường còn luôn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các gia đình khó khăn để cùng phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Nhiều năm liền gia đình ông được tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, danh hiệu “Hộ nông dân kinh doanh, sản xuất giỏi” cấp huyện, tỉnh. Gần đây nhất, năm 2021, ông vinh dự được HND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế gia đình.
Đánh giá về mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Đường, ông Đinh Văn Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tú Mịch cho biết: Những năm qua, với bản tính cần cù, chịu khó, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, ông Đường đã khai thác và phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả đem lại thu nhập cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây ăn quả cho các hộ khác, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của xã.
Ý kiến ()