Người nông dân lai tạo hàng chục giống lúa chất lượng cao
Với trình độ lớp 6 trường làng, một nông dân đã trình diễn giống lúa mới, năng suất cao, hạt dài, dẻo thơm... bất ngờ vượt qua hàng loạt các giống lúa chất lượng cao khác của các viện, trường nghiên cứu để chiếm vị trí thứ 5/24 giống lúa chất lượng cao đã qua khảo nghiệm thực tế trong hội nghị tổng kết phong trào nhân giống lúa cộng đồng tỉnh An Giang. Anh là Hoa Sỹ Hiền, nông dân xã Tân An, thị xã Tân Châu (An Giang).Từ anh thợ sửa đồng hồChúng tôi vừa đến trụ sở xã Tân An liền gặp anh Hiền đạp chiếc xe cọc cạch vào. Chiếc áo bạc vai, chiếc xe cũ kỹ, một khuôn mặt rặt chất nông dân miền tây phần nào khiến chúng tôi bất ngờ khi biết anh chính là một trong những người nghiên cứu lai tạo hàng chục giống lúa chất lượng cao. Dẫn chúng tôi về thăm nhà anh, một ngôi nhà cấp bốn bó gạch, vách tôn đơn sơ, đã nhiều lỗ thủng, trên vách treo đầy những bằng khen của Trung ương, tỉnh và hội nông dân các cấp. Anh bảo rằng: Từ...
Từ anh thợ sửa đồng hồ
Chúng tôi vừa đến trụ sở xã Tân An liền gặp anh Hiền đạp chiếc xe cọc cạch vào. Chiếc áo bạc vai, chiếc xe cũ kỹ, một khuôn mặt rặt chất nông dân miền tây phần nào khiến chúng tôi bất ngờ khi biết anh chính là một trong những người nghiên cứu lai tạo hàng chục giống lúa chất lượng cao. Dẫn chúng tôi về thăm nhà anh, một ngôi nhà cấp bốn bó gạch, vách tôn đơn sơ, đã nhiều lỗ thủng, trên vách treo đầy những bằng khen của Trung ương, tỉnh và hội nông dân các cấp. Anh bảo rằng: Từ năm 2000 đến nay, anh nhận được nhiều bằng khen lắm, có bằng được đi nhận, có bằng người ta mang về. Nhận bằng thì vui nhưng vui hơn, hạnh phúc hơn là khi tạo được một giống lúa thành công. Rồi anh chỉ tay vào “trung tâm nghiên cứu giống lúa của mình”, đó chính là khoảng sân trước đang bày biện hàng chục túi ni-lông lúa giống. Từng túi đều ghi tên tuổi, được lai tạo từ bố-mẹ là những loại giống nào… Kề bên là nia, thau mũ, mấy bó lúa giống sắp tuốt, rồi hồ sơ, giấy tờ về quá trình lai tạo giống đang bày biện la liệt. Bấy nhiêu đó là cả gia sản, cái “trung tâm giống này” chắc có lẽ có một không hai. Thấy khách bất ngờ với cái “trung tâm” nghiên cứu nhỏ của mình, anh Hiền lý giải: Mình đang nghiên cứu một giống lúa mới. Nói ra chắc anh em cười mình, nhưng thiệt tình, mình đang có ý phát triển một giống lúa mới chính từ lúa cỏ. Lời giải thích của anh Hiền càng khiến chúng tôi cảm thấy lý thú, càng muốn hiểu rõ hơn về chuyện nghiên cứu lúa giống của anh.
Anh kể: Xuất thân từ một gia đình thuộc “tốp” nghèo nhất xã vùng ven Tân An. Từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, anh chỉ biết cùng gia đình đi mần thuê, mần mướn kiếm cơm, lấy tiền ăn học. Được cái siêng năng, với trí thông minh trời phú, anh là người nhiều cái chữ nhất nhà: “Lớp 6 trường quê”. Với trình độ lớp 6, anh bước vào cuộc sống mưu sinh khác với tất thảy anh em trong đại gia đình bằng việc học nghề thợ sửa đồng hồ. Tẩn mẩn, tỉ mỉ bên ốc vít, những bộ vi điện tử, chiếc kính lúp, cái kẹp… phần nào giúp cuộc sống anh khá hơn chút đỉnh. “Không biết duyên cớ thế nào chứ giữa cái nghề thợ sửa đồng hồ với chuyện nghiên cứu giống lúa bây giờ tui thấy cũng liên quan lắm đó”, anh đùa. Theo anh, cả hai nghề đều là công việc cần sự chính xác tuyệt đối, cần bàn tay khéo léo, yêu nghề và nhất là phải biết kiên trì, nhẫn nại.
Năm 26 tuổi, Hoa Sỹ Hiền lập gia đình. Cuộc đời anh sang trang mới với hai công đất làm của hồi môn từ gia đình bên vợ. “Chưa từng biết ruộng rẫy, lúa thóc, mấy năm đầu làm lúa trầy da, tróc vảy. Người ta làm hàng chục công đất như chơi, mình mần có hai công mà khó trần ai”, anh kể lại. Nhờ siêng năng, hai công đất hồi môn đã giúp cuộc sống gia đình nhỏ của anh Hiền đỡ vất vả. Tích cóp lên vài công, chục công và chuyện lúa giống trở thành vấn đề lớn nhất của anh. “Mấy năm ấy, muốn có giống phải chạy sang Phú Tân, có khi vào tận Thoại Sơn mới được giống tốt, giá cao nhưng đâu phải lúc nào cũng có, với lại chuyện xuống giống trước sau giữa nhiều địa phương, lúc cần không có, lúc có không cần, giá cả đắt đỏ. Bực bội lắm”. Chính từ đây, câu chuyện lúa giống bắt đầu.
Đến nhà khoa học giống “chân bùn”
Đang lúc bức bối chuyện thiếu giống cho canh tác thì anh hay tin địa phương đang chuẩn bị mở lớp tập huấn về phương pháp canh tác mới. Không cần ai vận động, anh tiên phong xin được theo học. Đó là lớp thâm canh tổng hợp, xong khóa ngắn ngày, ứng dụng ngay vào ruộng mình với việc sạ thưa. “Lúc mình ứng dụng phương pháp mới, bà con làm ruộng chung quanh cười mình dữ lắm. Họ bảo rằng thường một công người ta sạ 30 kg, giờ chỉ 13-15 kg sao trúng nổi”. Thế nhưng, đó chính là thành công đầu tiên ngoài mong đợi. Vụ đông xuân 1999, anh trúng đến 45 giạ/công.
Một năm sau, dấu mốc quan trọng đã đến với Hoa Sỹ Hiền, anh được tham gia lớp tập huấn nhân giống lúa cộng đồng bằng kỹ thuật làm giống lúa xác nhận từ sự hướng dẫn của các kỹ thuật viên trạm khuyến nông huyện. Xong khóa, anh xuống Trung tâm giống Bình Đức (phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên) mua ngay giống AS 996 về nhân thử nghiệm. Lấy kiến thức từ khóa học, lấy ruộng mình làm thử nghiệm cho lớp, tự mày mò thêm, sau gần ba tháng ròng ăn cùng ruộng giống, ngủ cùng ruộng giống đã cho thành công mỹ mãn. Vụ đó, ruộng trình diễn giống mới AS 996 của Hoa Sỹ Hiền đạt 42 giạ/công. Mừng húm! Và rồi anh đem tất cả giống lúa xác nhận ấy chia lại cho bà con chòm xóm với đúng giá gốc chỉ 1.200 đồng/kg khi lúa thương phẩm đã đến 800 đồng/kg, còn giống xác nhận mua tại các trung tâm lên đến 2.000-3.500 đồng/kg. Cũng từ năm ấy, mỗi vụ anh đều dành 50kg lúa giống hỗ trợ hai nông dân nghèo (do các HTX xét chọn) để thực hiện công tác nhân giống, phát triển kinh tế gia đình.
Quyết tâm, anh dành hẳn bốn công đất gần chòi canh bắt đầu lai tạo giống. Vụ đông xuân 2004, anh cho lai 16 giống bố mẹ thành tám giống khác nhau. Nào kẹp, kính lúp… từ nghề sửa đồng hồ lôi ra, anh bắt đầu bóc tách, theo dõi chu trình phát triển hạt, cây. Ghi cẩn thận từng tổ hợp, sáng, chiều ra chòi canh, trưa tối ghi chép, nghiên cứu. Anh hiểu khi nào cây mẹ hả nhụy, khi nào khử đực, phân li… Anh bảo: Người ta bảo làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng vậy, chứ ai lai tạo giống tui dám bảo đảm là làm ruộng cực gấp trăm lần nuôi tằm chứ chẳng phải chuyện chơi. Ròng rã chăm bón, nghiên cứu gần ba tháng trời. Chỉ giống lai từ CM 42-94 OM 2507 là thành công. Lai tạo tám giống, thất bại bảy, nhưng theo anh được vậy đã là thành công mỹ mãn lắm rồi. Đến nay, sau nhiều năm lai tạo, anh đã cho ra đời hơn 30 giống lúa xác nhận khác nhau, đều là lúa chất lượng cao, hạt dài, thơm ngon, dẻo cơm.
Hiện nay, Hoa Sỹ Hiền đang sở hữu khoảng 19 giống lúa mang thương hiệu TC (Tân Châu). Trong đó, giống TC2 và TC6 là chủ lực. Đặc biệt, giống TC2 và TC5 đang được Trường đại học Cần Thơ tiến hành làm thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận là giống chuẩn quốc gia. Quá trình tự nghiên cứu, ngoài phần thưởng tinh thần vô cùng danh giá của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế cấp Chứng chỉ công nhận nông dân Hoa Sỹ Hiền đạt thành tích xuất sắc trong quá trình lai tạo giống, anh còn được Viện Nghiên cứu Lúa đồng bằng sông Cửu Long tặng một kính hiển vi, UBND tỉnh An Giang tặng một máy đo ẩm độ. Bên cạnh đó, hiện anh Hiền đang tiếp tục khảo nghiệm hai giống lúa mới là TC18 và TC19. Đây là hai loại lúa ngắn ngày, cứng cây, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, cơm ngon, có vỏ lụa đỏ, mùi thơm nhẹ và quan trọng nhất là cả hai đều chống chịu được rầy nâu, sâu bệnh tốt. Với hai giống lúa mới đang khảo nghiệm và những giống lúa mang thương hiệu TC quê hương anh do chính người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương Hoa Sỹ Hiền lai tạo, đã mở ra nhiều triển vọng tốt cho mô hình sản xuất lúa sạch ở đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.
Theo Nhandan
Ý kiến ()