Người nông dân không tiếc “tấc vàng”
Là hộ thuần nông nhưng may mắn hơn các gia đình khác, gia đình ông Đồng Văn Quang có một số mảnh đất nằm ở vị trí trung tâm thôn, cạnh đường giao thông nên giá trị khá cao.
Người dân trong thôn nhiều lần hỏi mua nhưng ông nhất quyết không bán. Bà Liễu Thị Văn – người dân trong thôn kể: “Hỏi mua mà ông ấy không bán, đùng một cái ông hiến đất cho thôn làm nhà văn hóa, cho xã làm đường giao thông. Việc làm này khiến chúng tôi hết sức bất ngờ và nể phục”.
Tính về giá trị, mảnh đất rộng 70 m2 ông hiến cho thôn làm nhà văn hóa theo giá nhà nước (400.000 đồng/m2) khoảng 28 triệu đồng; theo giá thị trường (hơn 1 triệu đồng/m2) khoảng 80 triệu đồng. Mảnh đất rộng 540 m2 ông hiến cho xã làm đường liên xã Hồng Phong – Phú Xá theo giá nhà nước khoảng 80 triệu đồng. Trên diện tích đất này, gia đình ông thâm canh 2 vụ lúa, thu hoạch trên 5 tạ thóc/năm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đồng Văn Quang kể: “2 mảnh đất này đều sát mặt đường, vuông thành, sắc cạnh. Nếu bán, tôi cũng có đủ tiền xây được căn nhà mới. Tuy nhiên, thấy cảnh người dân không có nơi hội họp; đường xuống cấp, người dân đi lại khó khăn nên tôi tự nguyện hiến để vì lợi ích chung”.
Ông Đồng Văn Quang (bên phải) và người dân thôn Còn Làng tại nhà văn hóa thôn
Được biết trước năm 2011, do chưa có nhà văn hóa, mỗi khi có công việc của thôn, đại diện của gần 100 hộ dân Còn Làng phải tập trung ở nhà trưởng thôn vừa chật hẹp vừa bất tiện. Các hoạt động khác như tập huấn, văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt thanh, thiếu nhi… không tổ chức được vì thiếu địa điểm.
Nhờ ông Quang hiến đất, nhà văn hóa đã được xây dựng khang trang. Từ năm 2011 đến nay, đây là nơi diễn ra các cuộc họp, sinh hoạt của nhân dân. Tuyến đường Hồng Phong – Phú Xá nhiều năm qua xuống cấp, gây khó khăn trong đi lại của dân. Năm 2014, nhà nước cho chủ trương thi công. Theo phương châm xã hội hóa, người dân góp kinh phí, công sức và mặt bằng. Chủ trương như vậy nhưng 17 hộ dân xã Hồng Phong có đất trên diện tích làm đường vẫn đề nghị hỗ trợ giải phóng mặt bằng gây chậm tiến độ thi công. Thấy vậy, ông Quang gương mẫu đi đầu hiến 540 m2 đất có đường đi qua. Ông cho rằng: “Có đường mới thì dân đi lại dễ dàng, bộ mặt nông thôn cũng thay đổi nên hiến cũng không tiếc”.
Ông Hoàng Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: từ nghĩa cử cao đẹp của ông Quang đã có một số người dân sống ở vùng lân cận làm theo. Ví dụ ông Hứa Văn Cách, xã Phú Xá cũng hiến gần 200 m2 đất làm tuyến đường này. Ông Nông Văn Huân, thôn Nà Lầm, xã Hồng Phong hiến đất làm nhà văn hóa thôn. Nhờ đó, đến nay 9/10 thôn trong xã có nhà văn hóa. Đường Hồng Phong – Phú Xá được nâng cấp mở rộng từ 4 m lên hơn 6 m, dài gần 1.000 m.
Vì lợi ích chung, không tiếc “tấc vàng”, ông Đồng Văn Quang được UBND huyện Cao Lộc biểu dương và tặng giấy khen về thành tích trong phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2011 – 2015 tổ chức vào tháng 5/2015. Ông còn được UBND huyện Cao Lộc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích này.
Ý kiến ()