Người nông dân gắn bó với nghề làm tinh dầu hồi
(LSO) – Đó là ông Nông Văn Tú, sinh năm 1960 ở thôn Nà Hấy, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan, người đã hơn 40 năm gắn bó với nghề chưng cất tinh dầu hồi để xuất bán sang các nước châu Âu. Từ đó, không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế của hoa hồi.
Ông Tú chia sẻ: “Chưng cất tinh dầu hồi là nghề truyền thống của ông cha để lại. Ngày xưa, khi Trung Quốc còn thu mua tinh dầu hồi với giá cao, hầu hết gia đình nào ở trong xóm cũng có một lò nấu tinh dầu hồi. Dần dần, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, nghề chưng cất tinh dầu hồi bị mai một. Năm 19 tuổi, tôi đã theo bố, mẹ học làm nghề này với mong muốn nối nghề của gia đình. Tuy nhiên, thời điểm ấy, dụng cụ để chưng cất tinh dầu hồi còn thô sơ nên hiệu quả không cao, chất lượng tinh dầu chưa đảm bảo”.
Ông Nông Văn Tú dán tem nhãn lên lọ tinh dầu hồi
Xuất phát từ những hạn chế đó, ông Tú đã phải mất hơn 20 năm để tìm tòi và xây dựng hệ thống chưng cất tinh dầu hồi bằng nồi hơi áp suất chạy bằng điện như hiện nay. Năm 2013, sau khi thử nghiệm thành công, ông đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng trên diện tích 200 m2 và một nồi hơi chạy bằng điện.
Theo ông Tú: Hệ thống chưng cất tinh dầu mới này có công suất lớn, đảm bảo vệ sinh môi trường, rút ngắn thời gian chiết xuất và giảm công lao động. Theo đó, mỗi mẻ chưng cất được tối đa khoảng 2 tấn hồi xanh hoặc 1 tấn hồi khô, sau 2 ngày đêm sẽ cho ra 100 đến 120 kg tinh dầu hồi.
Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình ông Tú chưng cất và tiêu thụ từ 4 đến 5 tấn tinh dầu hồi ra thị trường (tương đương với 4.000 đến 5.000 lít tinh dầu). Trong đó, ông Tú chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, bán cho các thương lái trong nước và một số khách hàng ở các nước Châu Âu, với giá bán 2 triệu đồng/kg, trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Nghề chưng cất tinh dầu hồi không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần nâng cao giá trị hoa hồi, tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Hiện nay, để làm được 1 kg tinh dầu hồi phải dùng 40 kg hồi xanh hoặc 10 kg hồi khô, hằng năm, gia đình ông Tú thu mua hàng trăm tấn hồi cho bà con của các xã trên địa bàn huyện Văn Quan.
Từ năm 2020, gia đình ông Tú đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch, tem truy suất nguồn gốc cho sản phẩm, tạo niềm tin và uy tín với khách hàng. Cùng với đó, tinh dầu được đóng trong các lọ: 100 ml, 150 ml, 200 ml, với giá bán từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/lọ.
Chia sẻ về lí do gắn bó với nghề, ông Tú cho biết: Huyện Văn Quan có diện tích cây hồi lớn, trong khi tinh dầu hồi có nhiều công dụng như: sát trùng, giúp tiêu hóa, giảm đau, tăng tiết dịch đường hô hấp, dùng trong nấu ăn… Tuy nhiên, người dân chủ yếu bán hoa hồi cho các thương lái xuất sang Trung Quốc, nghề làm tinh dầu ngày càng bị mai một nên tôi muốn gắn bó với nghề truyền thống này.
Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Hiện nay, gia đình ông Tú là hộ duy nhất trên địa bàn huyện còn duy trì nghề chưng cất tinh dầu hồi. Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) cuối tháng 1/2021, tinh dầu hồi Văn Quan của gia đình ông được xếp hạng 4 sao. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền gia đình áp dụng khoa học kỹ thật vào sản xuất, tìm mối liên kết để sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi hơn ở trong và ngoài nước…
Ý kiến ()