Người nối dài thanh âm đàn tính trên vùng đất Bắc Sơn
– Đó là anh Dương Doãn Quảng (sinh năm 1992), ở thôn Đon Riệc 1, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn. Bằng niềm đam mê với then, anh đã tự học hỏi cách làm đàn tính. Hiện nay, sau hơn 10 năm gắn bó với công việc làm đàn tính, anh đã tạo ra hàng trăm cây đàn để phục vụ người yêu then ở trong và ngoài tỉnh.
Là người dân tộc Tày, anh Quảng sinh ra và lớn lên ở thôn Đon Riệc 1, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn trong một gia đình yêu các làn điệu dân ca truyền thống. Anh Quảng cho biết: Từ nhỏ, tôi đã được nghe các bà và mẹ hát những lời then, gảy đàn tính nên đã dần được làm quen và biết hát then, gảy đàn từ nhỏ. Với tôi, đàn tính không chỉ là một nhạc cụ mà còn là người bạn để tâm tình lúc vui, buồn. Xuất phát từ niềm đam mê đó nên từ năm lớp 9, tôi đã mày mò tự làm đàn tính, ban đầu là làm cho bản thân sử dụng, sau đó làm tặng một số người yêu đàn và đến những năm gần đây, do nhu cầu của nhiều người dân nên tôi đã làm đàn để bán, theo đó có thu nhập ổn định từ nghề làm đàn tính.
Anh Dương Doãn Quảng chế tác cần đàn tính
Đàn tính thuộc loại đàn dây, gồm 3 bộ phận chính là: bầu đàn, cần đàn và dây đàn. Ngoài ra, còn có các bộ phận nhỏ như: ngựa đàn, kẹp cố định dây và chốt lên dây. Thông thường, bầu đàn được làm từ những quả bầu già, tròn, rỗng ruột, kích thước vừa phải. Cần đàn làm bằng các loại gỗ dẻo được đẽo công phu, đánh giáp cho bóng, có chiều dài trung bình từ 80 cm đến 1 m tùy theo sải tay của người chơi. Dây đàn dài từ 65 đến 70 cm, thường được sử dụng từ các loại dây nhựa của nước ngoài có độ bền cao, trước kia hay dùng sợi tơ vuốt sáp ong rất dễ đứt.
Để cây đàn vừa hay về âm thanh, vừa đẹp về mẫu mã thì anh Quảng đã kiên trì học hỏi, rút kinh nghiệm, khéo léo và sáng tạo để thay đổi mẫu mã, phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Anh đã tìm hiểu chế tác ra các loại đàn có bầu bằng đồng, gỗ nhằm tăng độ bền cho đàn và chạm trổ, gọt đẽo các mẫu hoa văn trên cần đàn… Theo anh Quảng, một cây đàn hay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kích thước bầu, loại bầu, độ dày mặt đàn, lên dây chuẩn… nhưng quan trọng nhất là kinh nghiệm và sự cảm thụ âm nhạc của người làm đàn để điều chỉnh sao cho âm thanh của đàn thật vang và hay.
Mỗi tháng, anh Quảng chế tác được 4 hoặc 5 cây đàn và bán với giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng/chiếc tùy loại bầu, mang lại thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Đàn tính do anh Quảng làm ra được khách hàng là người dân địa phương hoặc tại các tỉnh như: Thái Nguyên, Cao Bằng… đến mua. Ông Dương Doãn Tuấn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn cho biết: Tôi đã mua và sử dụng cây đàn tính do anh Quảng làm ra. Đàn của anh làm không chỉ đẹp mà còn có âm thanh rất hay nên tôi rất hài lòng khi sử dụng.
Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Anh Dương Doãn Quảng là một trong số ít những người hiện nay ở huyện biết làm đàn tính. Ngoài khả năng chế tác được đàn tính, anh Quảng còn thường xuyên tham gia câu lạc bộ hát then ở xã Bắc Quỳnh và phục vụ biểu diễn tại làng du lịch cộng đồng xã Bắc Quỳnh để góp phần quảng bá làn điệu then, đàn tính của quê hương đến du khách thập phương. Với công tác bảo tồn dân ca Bắc Sơn hiện nay, chúng tôi rất trân quý và cần những người trẻ như anh Quảng.
Nói về dự định trong tương lai, anh Quảng cho biết: Tôi mong muốn sẽ có nhiều người biết hát then, gảy đàn tính để làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc được bảo tồn, phát huy. Tôi cũng sẽ nghiên cứu mở rộng quy mô sản xuất đàn tính nhằm nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Trong sự xô bồ của cuộc sống hiện đại, với nhiều dòng nhạc và nhạc cụ đang ngày càng du nhập mạnh mẽ, những người trẻ tuổi như anh Quảng đang góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc. Mong rằng, những cây đàn tính của anh sẽ đi được những chặng đường dài hơn, đến được với nhiều người hơn để những giai điệu dân ca sẽ lan tỏa sâu hơn trong cuộc sống.
HOÀNG HIẾU
Ý kiến ()