Người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 44/2013/QÐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QÐ-TTg, trong đó bổ sung quy định đối tượng được mua hàng miễn thuế là người nhập cảnh (NNC).
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 44/2013/QÐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QÐ-TTg, trong đó bổ sung quy định đối tượng được mua hàng miễn thuế là người nhập cảnh (NNC).
Cụ thể, NNC ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh được mua hàng miễn thuế ngay tại cửa khẩu quốc tế sân bay nhập cảnh; không được mua hàng miễn thuế sau khi đã ra khỏi khu vực quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan tại cửa khẩu quốc tế sân bay nhập cảnh. Khi mua hàng miễn thuế NNC phải xuất trình hộ chiếu có đóng dấu nhập cảnh, thẻ lên tàu bay với định mức hành lý miễn thuế quy định tại Nghị định số 66/2002/NÐ-CP ngày 1-7-2002 của Chính phủ.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 15-9-2013.
Gần 5.600 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bắc Cạn
Sáng 22-7, báo cáo với đại diện của Ban Chỉ đạo sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư làm trưởng đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn cho biết: Từ năm 2008 đến nay đã có gần 5.600 tỷ đồng đầu tư làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Năm năm qua, nông, lâm nghiệp của tỉnh đạt bình quân 7,3%/năm; đến nay, toàn tỉnh trồng hơn 40 nghìn ha rừng sản xuất, bình quân lương thực đạt 555 kg/ người, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất cây ăn quả, hàng hóa đặc sản, có thương hiệu; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được tăng cường một bước; 92% dân số được sử dụng điện, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 12 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20,3%. Tỉnh liên kết được “bốn nhà” trong việc tổ chức sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật khi sử dụng các giống cây có chất lượng, tạo vốn cho sản xuất và tiêu thụ, gắn sản xuất với chế biến sản phẩm.
Hợp tác trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền
Ngày 22-7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Văn phòng Chống rửa tiền của Thái-lan (AMLO) đã ký biên bản ghi nhớ về trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền.
Hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động phòng, chống rửa tiền. Với vai trò là thành viên của nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), Việt Nam đã và đang tích cực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hợp tác, trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền với các quốc gia thành viên. Việc ký biên bản ghi nhớ về trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền giữa NHNN và AMLO sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên trong quá trình thu thập, phân tích, xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền; đồng thời góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Thái-lan.
Doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hợp tác sản xuất các sản phẩm nhựa
Sáng 22-7, tại Hải Phòng, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn SEKISUI CHEMICAL CO., LTD (Nhật Bản).
Theo đó, Sekisui và Nhựa Tiền Phong cam kết hợp tác trong việc sản xuất, phân phối các sản phẩm hố ga và hộp kiểm tra bằng nhựa PVC của Sekisui (sản phẩm Nhựa Tiền Phong chưa sản xuất được) cho các dự án ODA của Nhật Bản ở Việt Nam và các dự án khác. Bước đầu, Sekisui sẽ chuyển cho Nhựa Tiền Phong khuôn và các thiết bị để sản xuất các sản phẩm nêu trên cùng với việc cung cấp công nghệ, bằng sáng chế và nhãn hiệu sản phẩm. Nhựa Tiền Phong sẽ là nhà sản xuất, sử dụng nhãn hiệu và phân phối các sản phẩm của Sekisui trên thị trường Việt Nam. Trên cơ sở đó, hai bên sẽ tiến tới thành lập công ty liên doanh sản xuất các sản phẩm này tại Việt Nam khi doanh số bán hàng đạt khoảng 300 triệu yên (khoảng ba triệu USD).
Triển khai xây dựng Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn
Sáng 22-7, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa tổ chức bàn giao mặt bằng, trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho liên doanh đầu tư, thực hiện dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và các nhà thầu EPC.
Trong đó, Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu/năm có ý nghĩa to lớn trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ cùng phát triển. Sau một thời gian hoàn tất công tác chuẩn bị, ký hợp đồng EPC, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao mặt bằng, trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho liên doanh, đại diện là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, trao giấy phép xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cho nhà thầu EPC. Liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn được giao tổng diện tích đất sử dụng hơn 500 ha, trong đó có
394 ha mặt bằng chính để xây dựng nhà máy lọc hóa dầu. Ðến thời điểm này, Thanh Hóa cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho nhà thầu triển khai các gói thầu xây lắp Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Dự kiến sau 40 tháng thi công, công trình sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại.
50 địa phương triển khai kiểm soát tải trọng xe
Theo Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, đến nay đã có 50 tỉnh, thành phố trên cả nước chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm soát tải trọng xe trên các quốc lộ và đường bộ địa phương. Ðể nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra xe quá khổ, quá tải, Tổng cục đã chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) trong cả nước đồng loạt ra quân kiểm soát tải trọng xe. Trong tháng 8 tới, Tổng cục sẽ đưa vào hoạt động mười trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động trên các quốc lộ và một số đường địa phương liên quan tại bốn khu vực trong cả nước. Theo kế hoạch, trong hai năm (2014-2015), Tổng cục sẽ đầu tư tiếp khoảng 60 trạm trang bị cho các Sở GTVT trong cả nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()