Người mua, thuê mua nhà ở xã hội "ngại" vay gói tín dụng 125.000 tỷ đồng
Theo HoREA, gói tín dụng 125.000 tỷ đồng với sự tham gia của 5 ngân hàng thương mại để cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dường như chưa phù hợp với người mua, thuê mua.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) gửi về, cho thấy gói tín dụng 125.000 tỷ đồng với sự tham gia của 5 ngân hàng thương mại để cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dường như chưa phù hợp với người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Nguyên do, không chỉ vì phải chịu lãi suất cao 7,5%/năm với thời hạn vay 5 năm, mà còn bởi vì mức lãi suất này bị điều chỉnh 6 tháng/lần và sau thời hạn ưu đãi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận, thả nổi. Phía HoREA nhận định người mua, thuê mua nhà ở xã hội đang có tâm lý ngại vay.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước mở rộng thêm 2 đối tượng được vay gói 125.000 tỷ đồng bao gồm người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội, kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục khôi phục lại gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8-5%, thời hạn vay tối đa 25 năm mà Bộ Xây dựng đã đề xuất ngày 17/2/2023 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023 đối với chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua nhà ở xã hội, để thực hiện Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cần tăng thêm lợi nhuận định mức lên 15%, thay vì 10% như trước, áp dụng cho doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được thế chấp bằng chính dự án nhà xã hội khi vay vốn ưu đãi, kể cả vay gói 125.000 tỷ đồng. Bởi hiện nay, chủ đầu tư phải thế chấp bằng tài sản khác mới được vay, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, ông Châu lý giải. Hiệp hội cũng đề nghị giảm 70% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp để khuyến khích phát triển nhiều dự án nhà xã hội cho thuê.
Tính đến thời điểm này, gói tín dụng 125.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được triển khai để thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Từ khi triển khai tới nay đã tròn đúng 1 năm. Tuy nhiên, thống kê mới đây từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy sau 1 năm triển khai, kết quả giải ngân gói tín dụng này vẫn rất thấp. Với chủ đầu tư dự án mới giải ngân được 415 tỷ đồng tại 6 dự án, còn người mua nhà hơn 540 triệu đồng tại 2 dự án.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân là do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Hiện mới có 28 tỉnh, thành công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Trong đó, các tỉnh tập trung công bố kể từ tháng 7/2023 đến nay. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn chương trình này. Ngoài ra, một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này dẫn tới các ngân hàng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.
Về phía người mua nhà, vướng bởi quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi. Để hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera cho biết, các quy định về đối tượng và điều kiện mua nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi kinh doanh loại hình này.
Do đó, "cần sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người nghèo sớm tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở xã hội."
Song song đó, cần nới lỏng một số điều kiện cho người mua nhà ở xã hội sẽ tạo thuận lợi hơn cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, cần xem xét việc người mua nhà ở xã hội làm ở đâu, thu nhập thế nào, mới được mua để thuận lợi trong việc trả nợ.
Ngoài ra, khó khăn về nhà ở xã hội lâu nay vẫn là thiếu quỹ đất. Vì vậy, Nhà nước cần sớm tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp tham gia đấu giá làm nhà ở xã hội. Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, sẽ gia tăng cơ hội cho người thu nhập thấp mua được nhà, ông Ngọc Anh chia sẻ.
Có thể nhận định sự nới lỏng các điều kiện để thuê và mua nhà ở xã hội hứa hẹn sẽ tháo gỡ "nút thắt" cho phân khúc này. Khi nhiều đối tượng được tham gia thị trường hơn, thanh khoản của phân khúc này cũng sẽ được cải thiện và giúp thu hút thêm sự quan tâm từ doanh nghiệp./.
Ý kiến ()