Người Mông trồng xèo làm du lịch
Lên huyện vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai) thấy bà con nông dân người dân tộc Mông ở đây nắm bắt thị hiếu khách du lịch rất nhanh và hiệu quả. Đồng bào trồng cây xèo (còn gọi là hoa tam giác mạch) không để lấy hạt làm bánh như trước nữa mà để bán vé cho du khách thưởng thức vẻ đẹp hoang dại của loài hoa chỉ có trên vùng núi đá cao, khí hậu lạnh.
Người Mông ở xã Lử Thẩn (Si Ma Cai) chọn những khoảnh đất rộng, địa thế đẹp, nằm cạnh đường lớn (ô tô, xe máy có thể đi được) để trồng cây xèo. Xèo là loài cây bản địa, thân ống, có nhiều đốt, mỗi năm trồng được hai vụ (xuân hè và thu đông), vụ xuân hè là trái vụ, xuống giống vào khoảng tháng 1, nở hoa kết hạt vào cuối tháng 4 đầu tháng 5.
Ông Vàng A Phử, người Mông, ở thôn Nàng Cảng, xã Lử Thẩn (Si Ma Cai) là người đầu tiên trồng cây xèo làm du lịch, cho biết: Trồng xèo không khó, nhưng khó là làm sao để hoa nở đúng vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 mới thu hút được khách du lịch; vì vậy chọn thời gian xuống giống là rất quan trọng, cái này phải dựa vào thời tiết hằng năm và kinh nghiệm của mỗi người.
Cũng theo ông Phử: Sở dĩ hoa xèo còn có tên là hoa tam giác mạch, vì hoa nở có ba cánh xếp hình tam giác, hoa có vòng đời kéo dài khoảng một tháng. Điều đặc biệt là hoa tam giác mạch có cảm ứng biến đổi màu theo ánh nắng mặt trời, sáng hoa có màu trắng, trưa hoa chuyển màu phớt hồng, chiều hoa lại ngả sang màu tím nên rất hấp dẫn du khách chiêm ngưỡng.
Năm nay, người dân Lử Thẩn trồng khoảng năm ha hoa tam giác mạch, dọc theo con đường đá cấp phối từ trụ sở UBND xã vào thôn Nàng Cảng. Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, thời tiết nắng nhẹ, gió cao nguyên Si Ma Cai mát rượi thổi bay như gợn sóng hoa tam giác mạch đang kỳ nở rộ.
Dịch vụ thuê quần áo và chụp ảnh mang lại thu nhập cao cho người dân làm du lịch từ cây xèo.
Ở nương tam giác mạch cạnh con đường đá cấp phối, chị Giàng Seo Xóa đặt chiếc ghế ngồi bán vé cho du khách vào tham quan, chụp ảnh, quay phim… đủ cả. Giữa trưa nắng rọi đỉnh đầu, nhưng các bạn trẻ vẫn nối nhau kéo lên đồi hoa. “ Buổi sáng nay, tôi bán được hơn 100 vé, với giá 20 nghìn đồng/vé; buổi chiều chắc bán được khoảng 50-70 vé nữa”- chị Xóa phấn khởi cho biết. Trung bình mỗi ngày, chị Xóa bán được khoảng 150 vé, thu được ba triệu đồng. Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua (từ 28-4 đến 3-5), chị Xóa thu được khoảng gần 20 triệu đồng từ bán vé cho du khách tham quan, chụp ảnh vườn tam giác mạch rộng chừng 1.500 mét vuông của gia đình.
Bên cạnh đó, chị còn cho thuê váy áo người Mông để du khách chụp ảnh, rán bánh bằng bột xèo cho du khách thưởng thức ngay tại chỗ… cũng thu về một khoản tiền khá. Không chỉ chị Xóa mà hàng chục hộ gia đình khác ở xã Lử Thẩn đã nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của khách, trồng hoa tam giác mạch trái vụ, nở đúng vào dịp nghỉ lễ, bán vé phục vụ khách du lịch, tạo nguồn thu nhập đáng kể từ loài cây vốn được trồng để lấy hạt làm lương thực lúc giáp hạt ở vùng cao. Vườn hoa tam giác mạch của chị Xóa còn nở khoảng 15 ngày nữa mới tàn cánh để kết hạt. Hằng ngày, vẫn rất đông các bạn trẻ đến mua vé để thưởng thức vẻ đẹp hoang dại của loài bản địa này và khám phá đời sống, bản sắc văn hóa bản làng người Mông nơi đây.
Ông Lương Văn Trường – Phó chủ tịch UBND xã Lử Thẩn cho biết: Người dân trong xã bắt đầu trồng hoa tam giác mạch làm du lịch từ ba năm nay, hiện có khoảng năm ha trên các khu đồi đẹp, tiện đường giao thông để phục vụ du khách. Xã quy hoạch vùng trồng, lo giống, thông tin quảng bá và khuyến khích người dân trồng tam giác mạch để phát triển du lịch nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập để cải thiện và nâng cao đời sống.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()