Người Mông làm du lịch
Cát Cát sẽ được bảo tồn để trở thành làng văn hóa điển hình của người Mông. Người dân tộc Mông Cát Cát cũng sẽ cùng tham gia vào việc xây dựng và cung cấp dịch vụ du lịch, cùng bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học trong khu du lịch Cát Cát và Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Nói đến Sapa, người ta nhớ ngay đến Cát Cát – San Sả Hồ. Không chỉ vì cái tên nghe là lạ, duyên dáng, không chỉ vì nơi đây là bản làng lâu đời của người Mông với những sản phẩm thổ cẩm, bạc trang sức nức tiếng cả vùng… mà Cát Cát – San Sả Hồ – làng văn hóa điển hình của người Mông – nổi tiếng là “khu du lịch cộng đồng” lớn nhất Sapa. Ở Cát Cát – San Sả Hồ, tất thảy người dân đều tham gia làm du lịch, cùng chung lưng xây dựng bản làng đẹp hơn, sạch hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn… để thu hút khách du lịch về với thôn bản mình.
Ngay ngày đầu tiên đặt chân tới Sapa, nhiều du khách đã tìm đến Cát Cát để được hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây, được ngắm nhìn những cánh đồng bông bạt ngàn trổ hoa trắng xóa, được ngồi bên khung cửi, cầm thoi dệt thổ cẩm, uống bát nước thảo quả thơm ngát, ăn miếng thịt trâu hun khói bên bếp lửa bập bùng… Trước đây, người dân Cát Cát làm du lịch theo kiểu tự phát, nhà nào dệt được thổ cẩm, rèn được dao thì mang ra chợ thị trấn bán, sáng đi, tối về. Nhưng giờ, người Cát Cát đã biết mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm ngay tại nhà mình, bản mình. Bên cạnh con đường chính lát đá bậc thang dẫn xuống bản, nhiều gia đình người Mông đã mở cửa hàng vừa giới thiệu và bán sản phẩm, vừa sản xuất thủ công để du khách được tận mắt chứng kiến các công đoạn của nghề trạm đá, trạm bạc, nghề dệt, nghề rèn… truyền thống. Cả bản Cát Cát hiện có hẳn một khu giới thiệu và bán sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mông như: trạm khắc bạc, dệt thổ cẩm, đan lát, sản xuất công cụ, vật dụng, bán hàng lưu niệm.
Thổ cẩm ở Cát Cát được ví như “bảo bối” của huyện lỵ Sapa. Những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn mô phỏng cây lá, hoa, muông thú… được dệt bằng bàn tay tài nghệ của người Mông Cát Cát, khi trưng bày, khác hẳn tất cả những tấm thổ cẩm khác. Gắn liền với công đoạn dệt vải bông, vải lanh là khâu nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và lá cây rừng kỹ lưỡng, khiến cho thổ cẩm Cát Cát không bị phai màu. Vải nhuộm xong được mang ra bờ suối Vàng trải trên những phiến đá lớn và phẳng, đánh bóng bằng cách lăn khúc gỗ tròn to có bôi sáp ong. Theo hướng dẫn của Công ty du lịch Cát Cát, dân bản đã tập hợp lại thành từng phường, hội như kiểu hợp tác xã, phân công cụ thể việc trồng bông, se sợi, dệt vải, nhuộm vải và thêu. Sản phâm trưng bày cũng “chuyên nghiệp” hơn trước rất nhiều, hàng bán được nhiều, nhà nhà đều sắm được tivi để xem, dân bản vui lắm.
Vài năm nữa thôi, khi đặt chân tới Cát Cát, chắc hẳn khách du lịch sẽ thấy một Cát Cát thay da đổi thịt, một Cát Cát xanh tươi và chắc chắn, vào mùa xuân, du khách sẽ được thỏa thích ngắm bạt ngàn hóa đào Sapa trên diện tích rộng tới 5ha.
Vui vì làm du lịch
Có một người, không biết có phải đã bị vẻ đẹp của Sapa mê hoặc hay vì quá gắn bó với con người và mảnh đất này, đã tự nguyện rời thành Nam để lên “ăn đời, ở kiếp” với Sapa. Đó là anh Lê Văn Minh, giám đốc Công ty du lịch Cát Cát – Sapa. Khi anh Minh quyết định dốc tiền bạc và sức lực, làm đề án đầu tư vào Khu du lịch Cát Cát, không ít người kinh doanh du lịch chuyên nghiệp bảo anh “điên”.
Gặp anh ở bản Cát Cát vào những ngày đông giá, rét như cắt da, cắt thịt, bên bếp lửa đượm hồng trong khu giới thiệu nghề truyền thống của người Mông bản Cát Cát, anh mở lòng mình: “Biết là sẽ có vô vàn khó khăn, biết là mình phải đầu tư thật bền bỉ, lâu dài, nhưng không hiểu sao, Cát Cát cứ níu chân tôi, cứ mê hoặc như mật ngọt, như mạch nha, đã sa chân vào thì thật khó có thể rút ra”.
Trước đây, cả bản Cát Cát không có hệ thống dịch vụ như bán hàng lưu niệm, ăn uống, giải khát, văn nghệ để thu hút khách tham quan. Khu du lịch này cũng chưa phát huy được sức mạnh tiềm năng của cộng đồng người Mông địa phương trong tổ chức, quản lý các hoạt động du lịch, đem lại hiệu quả xã hội.
Với kinh nghiệm trong công tác quản lý và kinh doanh Khu du lịch Hàm Rồng – điểm đến không thể thiếu được trong hành trình của du khách khi đến Sapa, anh Minh đã dồn hết tâm sức và tiền bạc vào Khu du lịch Cát Cát. Kể từ năm 2007, anh và các cộng sự đã đầu tư sửa chữa lại cầu treo, khôi phục mô hình nhà truyền thống lâu đời của người Mông, xây dựng các khu chuồng trại và nhà vệ sinh cho người dân, đồng thời khôi phục làng nghề thủ công với khu sản xuất, trình diễn tập trung với các nghề trạm khắc bạc, thổ cẩm, đan lát, sản xuất nông cụ, vật dụng và bán hàng lưu niệm. Đội văn nghệ bản Cát Cát cũng được thành lập, nhà biểu diễn văn nghệ được xây dựng nằm ẩn mình trong dãy núi. Những nam thanh, nữ tú Cát Cát được chọn vào đội văn nghệ bản. Những người trung tuổi, người già trong bản vào làm việc tại công ty đều có lương, trung bình thu nhập mỗi người trên 1 triệu đồng/ tháng.
Nhà trưng bày văn hóa dân tộc Mông – nhà trình tường đã được hoàn thiện để khách du lịch có thể tự mình dệt thổ cẩm, xay thóc, giã gạo và thưởng thức những món ăn đặc sản mà chỉ riêng Cát Cát mới có. Những phong tục độc đáo của người Mông Cát Cát cũng được công ty đưa lên là hướng phát triển du lịch trọng tâm của bản. Những tục lệ kéo vợ, tục gầu tào, tục đón năm mới, tục cưới ở bản Cát Cát… thường xuyên được “tái hiện” để cho du khách tham gia và hiểu được thuần phong mỹ tục của người Mông.
Khách du lịch bây giờ vào tới Cát Cát sẽ không khỏi ngỡ ngàng, thích thúc với những chiếc cối giã gạo nương bằng sức nước hai bên bờ suối Vàng – nơi dẫn đến thác nước Cát Cát đẹp như một bức tranh thủy mặc. Và chắc chắn du khách cũng sẽ rất ngạc nhiên khi biết về một công trình thủy điện có tuổi đời “già” nhất Việt Nam được người Pháp xây dựng ngay cuối nguồn suối Vàng, bên chân thác nước Cát Cát… Một kỷ niệm khó quên mà nếu như không có cách làm du lịch cộng đồng, nét đẹp này nếu không bị tàn phá thì cũng đã bị lãng quên.
Ý kiến ()