Người mẹ viết tiếp ước mơ của trẻ em nhiễm chất độc da cam
Đồng cảm với những số phận kém may mắn, cô Đặng Thị Toàn (48 tuổi, quê Ba Vì) đã chọn cho mình công việc chẳng giống ai, trở thành người mẹ tạo niềm tin, tiếp thêm nghị lực sống cho những mảnh đời bất hạnh.
Chăm sóc nuôi dạy trẻ bình thường đã khó, chăm sóc nuôi dạy trẻ là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam còn gian khổ, vất vả trăm bề. Đó không chỉ đơn giản là việc dạy trẻ mà là dạy các em cách sống, cách làm người, cách hòa nhập cộng đồng.
Bằng tình thương và sự tâm huyết, mẹ Toàn đã đồng hành cùng các em tại nhà T3, Làng Hữu nghị Việt Nam(gọi tắt là Làng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) vững bước trên con đường gập ghềnh khó khăn. Nhờ đó, các em đã nỗ lực vượt lên số phận, từng bước xoa dịu nỗi đau do di chứng của chất độc da cam/dioxinđể lại.
Mẹ Toàn không tiếc công việc mà dày công chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ kém may mắn tại Làng. |
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai!”
Năm 2017, khi vẫn còn là giáo viên tại Trường Mầm non Liễu Giai (quận Cầu Giấy), mẹ Toàn như chết lặng khi nhìn thấy hình ảnh của các em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Làng Hữu nghị đăng trên các phương tiện thông tin, truyền thông.
“Các em là những đứa trẻ vừa sinh ra đã phải mang trong mình nhiều thiệt thòi, khiếm khuyết. Đôi bàn tay chẳng thể cầm nắm, đôi chân không đủ tự tin đứng dậy hay ánh mắt lơ đãng, miệng ú ớ không cất thành lời”, mẹ Toàn nghẹn lòng chia sẻ.
Mẹ Toàn tâm sự: “Gạt bỏ những lời khuyên ngăn của gia đình, tôi đã từ bỏ công việc giáo viên và tình nguyện về Làng trực tiếp chăm sóc các em. Dù không phải do mình sinh ra, nhưng xuất phát từ trái tim, tôi muốn bù đắp những thiệt thòi mà các em đã và đang từng ngày phải gánh chịu”.
Thời điểm đó, việc tuyển dụng các cô vào Làng gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi nhà lớn có từ 20-25 em do 1-2 mẹ phụ trách, mỗi em là một hoàn cảnh, một cách dạy và nhiều độ tuổi khác nhau. Điều này đã khiến ai nấy đều từ chối đến với Làng, nơi vốn đã thiếu tình thương nay lại càng heo hút.
Tưởng chừng sẽ bỏ cuộc nhưng mẹ Toàn vẫn vượt qua tất cả, ở lại để bù đắp nhiều hơn bởi tình yêu thương cho các con. |
Và quả đúng như câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai!” trong bài hát “Một đời người một rừng cây”của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Nếu cứ chọn phần nhàn hạ và thảnh thơi thì ai sẽ là người xoa dịu nỗi đau da cam, điểm tô cho cuộc đời của các con từ những gam màu đen tối? Vậy nên, mẹ Toàn đã trân trọng cơ hội này, giúp đỡ các em lấy lại được niềm tin trong cuộc sống, tự tin trở thành “công dân mới trong thời đại mới”.
Gieo lên những mầm sống yêu thương
Ngày mới về tiếp nhận nhà T3, mẹ Toàn cũng phải bối rối vì những tình huống thực tế mà chẳng có một giáo trình hay sách vở nào có được. Mỗi em là một “bông hoa”, nhưng “bông hoa” hoa ấy lại mang trong mình sự đớn đau từ bệnh tật, nào tự kỷ, thiểu năng trí tuệ rồi động kinh…
Sự chào đón người mẹ mới của nhà T3 là những kỷ niệm mà mẹ Toàn không thể nào quên mỗi khi nhắc lại. Có những lúc con lên cơn, cầm cả gáo nước dội vào người mình, lúc đó cảm thấy rất buồn nhưng khi nghĩ đến hoàn cảnh, bệnh tật của các con mà mình phải nhẫn nhịn, kiên trì chăm sóc các con tốt nhất.
Tại nhà T3, 100% các em đều là nam, việc hiếu động hơn các bạn nữ là điều không thể tránh khỏi. Chưa kể các con đều đang ở độ tuổi phát triển tâm, sinh lý nên mẹ Toàn đã phải rất trăn trở về vấn đề này.
Chưa kể, mỗi con lại có một tính nết khác nhau nên mẹ Toàn đã tỉ mỉ quan sát, ghi nhớ một cách cẩn thận. Muốn làm được điều này, không có cách nào khác ngoài việc làm bạn cùng con thông qua việc trò chuyện, tâm sự giúp hai bên có sự thấu hiểu và đồng cảm.
“Chỉ khi nào con cảm nhận mình chính là một người mẹ thực sự thì lúc đó con mới thật sự mở lòng”, mẹ Toàn nhấn mạnh.
365 ngày, mẹ Toàn chỉ được nghỉ đúng 12 ngày phép và chia đều vào 1 ngày/tháng. Do đó, toàn bộ thời gian của mẹ đều ở Làng và dành trọn vẹn cho các em bất kể ngày hay đêm.
Với mẹ Toàn, mỗi em là một bông hoa trong cả rừng hoa hướng dương đã từng ngày nỗ lực vươn lên khỏi bóng tối và đón ánh nắng của sự hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Mẹ Toàn chăm sóc cho Châu, cậu bé bị thiếu thốn cả về nhận thức lẫn trí tuệ. |
Tuy nhiên, mẹ lại nhớ như in về câu chuyện của em Lê Bảo Châu (sinh năm 1996, quê Hà Nội), ngay từ nhỏ đã bị ảnh hưởng của chất độc da cam dẫn tới hai mắt vĩnh viễn không nhìn được ánh sáng, em cũng không thể nói được. Thiếu thốn cả về nhận thức lẫn trí tuệ nên mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải nhờ sự hỗ trợ từ mẹ Toàn. Em chỉ tiếp nhận được những lời nói quen thuộc hằng ngày của mẹ như ăn cơm, tắm rửa, đi dạo…
Hay như trường hợp của em Lý Xuân Miu (sinh năm 2010, quê Hà Giang), bố mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng nên em coi mẹ Toàn như chính mẹ ruột của mình. Mẹ Toàn nhớ lại, có lần Miu chạy nhảy rồi vấp ngã, tôi cõng con trên lưng đến phòng y tế rồi động viên: “Con cố gắng ăn uống, mẹ cõng con mà thấy nhẹ lắm!”, nói đến đây mẹ Toàn không cầm được nước mắt.
Không riêng gì Châu, Miu, mẹ Toàn cũng phải uốn nắn từng con để các con biết điều chỉnh cảm xúc của riêng mình, chỉ cần một sơ xuất nhỏ hay lời nói cũng dễ làm con tổn thương và bị kích động. Khi cảm xúc không được điều chỉnh dẫn đến con không làm chủ được hành vi, đánh bạn…
Mẹ Toàn nhẹ nhàng uốn nắn cho các em từ cách xưng hô, chào hỏi đến nói chuyện lễ phép. |
Đại tá Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam cho biết, các cháu luôn được tạo mọi điều kiện để nuôi, dạy và chăm sóc, trong một thời gian nhất định có thể hòa nhập cộng đồng. Trước kia có thể là từ 3-5 năm nhưng bây giờ đã được điều chỉnh lên 5-7 năm, giúp các cháu tự tin, bảo đảm cuộc sống cho riêng mình.
Đối với công tác giáo dục, đào tạo nghề, Làng vẫn thường xuyên duy trì 4 lớp giáo dục đặc biệt, 2 lớp kỹ năng thực hành, 5 lớp dạy nghề. Từ năm 2019 đến năm 2022, đã có 16 em về hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ vốn khởi nghiệp với mô hình làm kinh tế hộ gia đình.
Dẫu biết con đường mà mẹ Toàn đang đi sẽ còn nhiều khó khăn và không ít trở ngại, nhưng mẹ Toàn vẫn quyết tâm gắn bó và hết lòng với những đứa con của mình cho đến khi nào sức khỏe không cho phép. Niềm vui của mẹ là nhìn thấy những bông hoa tươi tắn, mỉm cười và tự tin trở thành “công dân mới”, hoàn toàn tự lập trong cuộc sống mà không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai.
Làng Hữu Nghị Việt Nam trực thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục dạy nghề cho hơn 120 trẻ em bị phơi nhiễm chất độc màu da cam/dioxin. Đây cũng là nơi điều dưỡng, phục hồi chức năng cho các cựu chiến binh, người có công với cách mạng. |
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()