Người mê sưu tầm vật dụng xưa
LSO-Nhiều năm qua, anh Nguyễn Chí Hiếu ở thôn Núi Đá, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng vẫn âm thầm tìm kiếm, sưu tầm những vật dụng gia đình, công cụ lao động của bà con dân tộc Tày, Nùng trong huyện. Ðến nay, anh đã sưu tầm được rất nhiều vật dụng xưa tuy không nặng về giá trị vật chất, nhưng vô giá về mặt tinh thần.
Anh Nguyễn Chí Hiếu lau dọn những đồ vật sưu tầm của mình |
Gian nan tìm mua đồ cũ
Kể về lý do đi sưu tầm vật dụng xưa, anh Nguyễn Chí Hiếu, sinh năm 1982 chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, những vật dụng làm bằng tre, gỗ, công cụ lao động mộc mạc đã gắn bó với tôi từ thuở ấu thơ. Tôi sợ một ngày nào đó, đồ vật này không còn và biến mất, thế hệ trẻ sẽ không được trông thấy những đồ vật đã gắn liền với cuộc sống của thế hệ trước.
Từ năm 2003, anh Hiếu đã bắt đầu sưu tầm những dụng cụ sinh hoạt của bà con dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn huyện. Anh không quản mưa nắng, đường sá khó khăn trực tiếp đi vào thôn bản xa nhất, hẻo lánh nhất để tìm mua đồ. Đi đâu, anh cũng hỏi thăm, tìm mua bằng được món đồ anh thấy ưng ý. Từ những khung cửi dệt vải, lu kéo mật bằng gỗ, cối đá, cày gỗ, xe trâu… đến những chiếc mâm bằng gỗ, ti vi, đèn bão đều được anh thu mua đem về nhà mình.
Tiền để mua đồ vật xưa của anh đều từ tiền cắt tóc. Tiệm cắt tóc của anh tuy nhỏ nhưng rất đông khách. Dành dụm được ít tiền, anh lại “lang thang” vào các xã như: Gia Lộc, Y Tịch, Bằng Hữu, Hữu Kiên để tìm mua những vật dụng xưa. Đồ anh mua, sưu tầm rẻ thì vài trăm nghìn, đồ đắt thì lên đến gần chục triệu đồng, không gom đủ tiền, anh phải cắm xe máy để lấy tiền mua rồi đợi cắt tóc dành đủ tiền chuộc lại. Anh nhớ nhất là lần đến gia đình ở xã Y Tịch có nồi nấu rượu nguyên bản bằng gỗ đã dùng lâu đời, người lớn tuổi trong nhà không đồng ý bán, nhờ kiên trì ở lại 2 ngày nên sau đó, anh cũng thuyết phục được.
Chị Vi Thị Hà Chi – vợ anh Hiếu chia sẻ: Lúc đầu, cả gia đình đều phản đối, vợ chồng xảy ra cãi vã vì làm ra được đồng nào thì chồng chị lại đem đi mua những đồ cũ, rách đem về nhà. Nhưng giờ, tôi đã đồng cảm được với chồng vì thấy đây là một việc làm ý nghĩa, giúp gìn giữ nét văn hóa trong sinh hoạt của thế hệ xưa.
Trăn trở cách bảo tồn
Qua 14 năm sưu tầm, anh Nguyễn Chí Hiếu đã có hơn 1.000 công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt các loại được làm bằng tre, gỗ, đồng, đá. Với những đồ bằng gỗ, anh thường xuyên vệ sinh, phun sơn chống mọt để có thể bảo quản được lâu hơn.
Tất cả các vật dụng trong kho anh đều ghi chép đầy đủ về năm tuổi, chất liệu và tên tuổi người làm ra những sản phẩm đó. Có những khung cửi dệt vải, lu quay mật được anh mang về đã được làm từ gần 50 năm trước. Đặc biệt, anh Hiếu còn đi tìm lại những thợ thủ công lành nghề để phục chế lại guồng nước ngày xưa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Mong muốn mở “bảo tàng gia đình” của anh đang được hình thành; khi hoàn thành, sẽ thu hút nhiều khách tham quan và là địa chỉ đặc biệt để góp phần gìn giữ nét văn hóa xưa.
Khi biết anh Hiếu có nhiều đồ dùng của người Tày, Nùng khu vực huyện Chi Lăng, đã có một số cơ quan, đơn vị mời anh tham gia tổ chức triển lãm, giới thiệu, trưng bày. Trong các sự kiện anh tham gia, đáng chú ý có Lễ hội Na Chi Lăng, Lễ kỷ niệm 590 năm Chiến thắng Chi Lăng… thu hút đông đảo khách tham quan.
Ông Vi Trung Kiên, Phó trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử và danh thắng huyện Chi Lăng cho biết: Việc làm của anh Nguyễn Chí Hiếu rất đáng được ủng hộ, biểu dương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho những đồ vật sưu tầm của anh tham gia các cuộc triển lãm, trưng bày, giúp anh bảo tồn, khai thác nhằm lưu giữ những giá trị vốn có đã được gìn giữ lâu nay.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()