"Người máy hội thoại" không chỉ có màu hồng
Với khả năng ấn tượng, ChatGPT (người máy hội thoại) đã nhanh chóng trở thành một công cụ phổ biến cho các ứng dụng khác nhau, từ chatbot đến tạo nội dung văn bản.
Như với bất kỳ công nghệ AI nào, ChatGPT có những khả năng (điểm mạnh) và hạn chế (thách thức) nhất định, có thể ảnh hưởng đến hiệu suất và độ chính xác của nó.
Với ChatGPT, cách sử dụng tương tự như ra lệnh cho Google. Sự khác biệt là ChatGPT hiệu quả hơn khi đưa ra câu trả lời được viết dưới dạng văn bản. Tuy nhiên, nội dung do ChatGPT đưa ra không dễ xác minh xem câu trả lời có đúng hay không và dựa trên cơ sở nào. Người dùng có thể yêu cầu tạo một đoạn văn bản với độ dài và phong cách viết về một chủ đề cụ thể. Bạn cũng có thể nhập các đoạn văn bản và yêu cầu chatbot tóm tắt, diễn giải, dịch, xóa lỗi chính tả, đưa ra phản hồi về chúng…
Tuy nhiên, bên cạnh những tính năng ưu việt đó, ChatGPT không phải không có những “điểm yếu”. Biết những hạn chế của ChatGPT, chúng ta có thể hiểu rõ hơn những nhược điểm và thách thức tiềm năng của việc sử dụng các chương trình ngôn ngữ AI (trí tuệ nhân tạo) trong những bối cảnh khác nhau. Đó là ChatGPT thiếu ý thức chung. Hạn chế này là đương nhiên vì ý thức chỉ có ở con người. Điều này có nghĩa ChatGPT đôi khi có thể cho các câu trả lời vô nghĩa hoặc không chính xác cho các câu hỏi hoặc tình huống nhất định.
Về mặt trí tuệ cảm xúc, dù ChatGPT có thể đưa ra câu trả lời có vẻ đồng cảm, lời văn mượt mà, nhưng không thể giống con người. Nó không thể phát hiện các tín hiệu cảm xúc tinh tế hoặc phản ứng phù hợp với các tình huống cảm xúc phức tạp. Ứng dụng này cũng hạn chế trong việc hiểu biết bối cảnh, đặc biệt là mỉa mai và hài hước hay nghĩa đen và nghĩa bóng. Do đó, ChatGPT hiện phù hợp nhất là để tạo các phần nội dung ngắn hơn như tóm tắt, gạch đầu dòng hoặc giải thích ngắn gọn. Chatbot này hoạt động tốt nhất khi nó được tập trung vào một nhiệm vụ hoặc mục tiêu duy nhất. Nếu được yêu cầu thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, độ hiệu quả và chính xác của chatbot sẽ giảm. ChatGPT được huấn luyện, đào tạo trên một tập hợp lớn hàng trăm tỷ dữ liệu văn bản và dữ liệu đó có thể chứa các thành kiến hoặc định kiến của tác giả. Điều này có nghĩa là AI đôi khi có thể tạo ra các phản ứng vô tình thiên vị hoặc phân biệt đối xử.
Mặc dù ChatGPT có quyền truy cập vào một lượng lớn thông tin nhưng nó không thể truy cập vào tất cả các kiến thức mà con người có. Nó có thể không nhận thức được những phát triển hoặc thay đổi gần đây trong một số lĩnh vực nhất định. Dữ liệu chỉ có từ năm 2021 về trước. Độ nhạy cảm của ChatGPT đối với lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp bị hạn chế tại thời điểm này. Nếu bạn sử dụng ChatGPT cho các trường hợp rất cụ thể, bạn có thể phải tinh chỉnh mô hình để có được những gì bạn cần một cách phù hợp. Thêm vào đó, ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ AI rất phức tạp, đòi hỏi các nguồn lực chi phí đáng kể để chatbot hoạt động hiệu quả. Có nghĩa là dùng ChatGPT có thể tốn kém và có thể yêu cầu truy cập vào các hệ thống phần cứng và phần mềm chuyên dụng.
Có thể thấy, số hạn chế, thách thức mà ChatGPT đối mặt gấp 3 lần số loại khả năng, điểm mạnh. Tuy nhiên, ChatGPT vẫn đủ sức gây nên cơn “chấn động” về trí tuệ thông minh dù đang trong giai đoạn thử nghiệm. Chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt của đời sống xã hội khi hãng OpenAI đang phát triển một phiên bản mới của ChatGPT với GPT.4 và sẽ phát ra âm thanh khi trả lời. Một thành tựu nữa của AI sẽ được ra mắt vào cuối năm 2023.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nguoi-may-hoi-thoai-khong-chi-co-mau-hong-723208
Ý kiến ()