Người lưu giữ hương vị truyền thống bánh khảo Tràng Định
(LSO) – Đến thôn Cốc Cưởm, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định, hỏi thăm tới nhà bà Trần Thị Vị, 60 tuổi, dân tộc Tày, không ai là không biết. Hơn 40 năm say mê với nghề làm bánh khảo, bà đang từng ngày lưu giữ hương vị truyền thống, góp phần phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Vị chia sẻ: Từ bé, tôi được mẹ tôi chế biến rất nhiều món bánh truyền thống của người Tày cho ăn, trong đó có món bánh khảo. Đến khi là học sinh phổ thông, tôi đã được mẹ truyền dạy kỹ thuật và bí quyết chế biến bánh khảo truyền thống. Sau khi lập gia đình riêng, vào mỗi dịp Tết nguyên đán, tôi thường chế biến món bánh khảo để phục vụ nhu cầu của gia đình và làm quà tặng.
Bà Trần Thị Vị (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn kỹ thuật làm bánh khảo cho học viên
Năm 1997, nhận thấy nhiều gia đình nơi bà sinh sống không còn tự chế biến bánh khảo mà có xu hướng mua bánh khảo để sử dụng và làm quà, bà Vị bắt đầu chế biến bánh khảo bán để phục vụ bà con. Năm 2002, bà mở rộng quy mô, sản xuất số lượng bánh lớn hơn để phục vụ thị trường. Trong quá trình thực hành nghề, bà không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra các kỹ thuật chế biến bánh khảo mới, phù hợp với thị hiếu khách hàng. Hiện nay, bản thân bà nắm giữ kỹ thuật chế biến của 6 loại bánh khảo khác nhau như: bánh khảo nhân đậu xanh, nhân tàu dị (đậu đen), nhân thập cẩm, nhân đỗ tương, hạt dẻ.
Chia sẻ về bí quyết làm bánh khảo, bà Trần Thị Vị cho biết: Để làm ra một mẻ bánh ngon, đạt chất lượng thì quan trọng nhất nằm ở khâu chọn gạo và công đoạn làm nhân. Loại gạo được sử dụng để làm bánh là gạo nếp cái hoa vàng trồng ở cánh đồng Thất Khê. Khi làm nhân bánh phải đảo đều nếu không để lâu ngày sẽ bị chảy nước, ăn không ngon. Quan trọng nhất đó là tất cả các công đoạn chế biến như chọn lựa gạo, rang gạo, nghiền gạo, ngào đường, ép lên khuôn, nấu nhân đều được thực hiện theo phương pháp truyền thống.
Do được chế biến thủ công nên bánh khảo của bà Vị sản xuất đều được khách hàng khắp nơi trong tỉnh rất tin tưởng và ưa dùng. Ngoài ra, bánh khảo của bà còn có mặt ở các tỉnh, thành như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… Chị Lương Thị Hằng, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, khách hàng thường xuyên mua bánh khảo cho biết: Tôi vẫn hay mua bánh của bà Vị, bánh rất ngon, ngọt dịu và để được lâu. Mỗi lần mua, tôi thường lấy mấy nghìn phong vừa cho gia đình sử dụng vừa bán để tăng thu nhập.
Hiện nay, để mở rộng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người, đặc biệt là giữ gìn và phát huy nghề thủ công truyền thống, gia đình bà đã truyền nghề cho 31 người, đa số đều là người trong vùng. Nhiều người đã về tự mở cơ sở sản xuất bánh khảo. Trong gia đình, bà đã trực tiếp truyền nghề cho con gái và con dâu với mong muốn món bánh truyền thống của dân tộc không bị thất truyền.
Không những đem lại giá trị kinh tế, bánh khảo của bà Vị còn là sản phẩm đặc sản địa phương được Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện đưa đi triển lãm tại các hội chợ, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc của tỉnh. Đặc biệt, năm 2017, sản phẩm bánh khảo Tràng Định do bà sản xuất đã được đoàn nghệ nhân hát then Việt Nam do NSND Triệu Thủy Tiên đem sang Paris (Pháp) để quảng bá và phục vụ trình diễn.
Ông Đoàn Minh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Tràng Định nhận xét: Bà Vị là một trong những nghệ nhân có tay nghề và nắm giữ bí quyết làm bánh khảo truyền thống tại Tràng Định, bánh khảo của bà có hương vị đặc trưng. Để ghi nhận những đóng góp của bà trong việc lưu giữ hương vị truyền thống của bánh khảo, chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực tri thức dân gian.
Ý kiến ()