Người lãnh đạo hết lòng với sự nghiệp giáo dục - đào tạo
Là nhà lãnh đạo có uy tín, đồng chí Phạm Văn Đồng còn là nhà giáo dục. Từ những năm 1927-1928, đồng chí là một thầy giáo ở Sài Gòn - Chợ Lớn, vừa dạy học, vừa tuyên truyền cách mạng trong giới trí thức, học sinh, sinh viên. Trong những năm tháng bị giam cầm tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo, đồng chí Phạm Văn Đồng được các đồng chí của mình gọi là "Giáo sư đỏ", tham gia bồi dưỡng lý luận cho anh em. Trong những năm từ 1940 đến 1945, đồng chí tham gia đào tạo nhiều lớp cán bộ của Mặt trận Việt Minh, là Hiệu trưởng danh dự và trực tiếp giảng dạy cho các trường Trung học bình dân, Trường trung học Quân sự bình dân,v.v. Nhiều học viên của đồng chí sau này đã trở thành những chiến sĩ ưu tú, những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Từng là thầy giáo, là Chủ tịch Ủy ban cải cách giáo dục Trung ương nhiều năm, đồng chí Phạm Văn Đồng rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, trong nhiều bài nói, bài viết của đồng chí, như: Tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục phổ thông và trách nhiệm của đội ngũ giáo viên (năm 1956); Nghề dạy học là nghề sáng tạo bậc nhất vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo (năm 1959); Sự nghiệp giáo dục và người thầy giáo trong chế độ chúng ta (năm 1961); Bàn về chương trình sách giáo khoa các trường phổ thông (năm 1965); Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập ngành sư phạm (năm 1981), v.v. Đồng chí đã nói những lời tâm huyết, những định hướng chỉ đạo sát sao đối với công tác dạy và học.
Đồng chí nhận định: “Giáo dục là một ngành mật thiết liên quan đến việc xây dựng tư tưởng, vì giáo dục chuyên lo đào tạo thế hệ mới, đào tạo những người sống trong xã hội ngày mai”(1). “Nghề dạy học là một nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý của xã hội xã hội chủ nghĩa, nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo… Nghề dạy học là nghề sáng tạo bậc nhất vì nó sáng tạo những con người sáng tạo”(2). Đồng chí đặt câu hỏi và tự trả lời: “Yêu nghề là gì? Là yêu nước, yêu dân, yêu sự nghiệp của mình, yêu tiền đồ của dân tộc… Yêu nghề có thiết tha, liên tục mới quyết tâm vũ trang cho mình về kiến thức, đạo đức để làm tròn nhiệm vụ đào tạo con người mới cho Tổ quốc, cho chế độ”(3).
Đồng chí phân tích từng mặt của mục tiêu giáo dục toàn diện về đạo đức, trí dục, thể dục, mỹ dục, nhằm tạo ra những con người mới. Đồng chí phê phán một số quan niệm sai lầm về giáo dục trong nhà trường. Nhà trường phổ thông phải dạy kiến thức phổ thông cơ bản, hiện đại, phù hợp với Việt Nam; đồng thời phải kết hợp việc giảng dạy một cách sinh động với thực tiễn Việt Nam.
Về nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, đồng chí Phạm Văn Đồng nêu rõ: Chương trình và sách giáo khoa phải đảm bảo dạy cho học sinh những nguyên lý cơ bản, toàn diện về các mặt đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục, đồng thời tạo cho các em điều kiện phát triển óc thông minh, khả năng độc lập suy nghĩ và sáng tạo. Đức dục phải để hàng đầu. Đức dục là toàn bộ đạo đức mới mà nhà trường giáo dục, bồi dưỡng nhằm đào tạo học sinh thành những người chiến sĩ cách mạng. Đức dục phải quán triệt trong toàn bộ chương trình, sách giáo khoa. Trí dục là kiến thức, nội dung chủ yếu phải dành nhiều thì giờ làm, phải dạy nhiều kiến thức cơ bản, cần thiết, hiện đại nhất của thế giới ngày nay. Đồng thời những kiến thức đó phản ánh tình hình nước ta và kết hợp được với thực tiễn sản xuất. Cái quan trọng của trí dục là rèn luyện óc thông minh và sức suy nghĩ, không phải là nhét, là nhồi sọ những điều mà đời sống không cần đến. Giáo dục phổ thông chẳng qua là một bước cơ sở, là nền tảng để tiếp tục học. Thể dục càng có vị trí lớn trong nhà trường phổ thông. Chúng ta cần kiên trì thực hiện để cải tạo nòi giống. Quan tâm đến thể dục là quan tâm thực sự đến hạnh phúc của con em ta, hạnh phúc của nhân dân ta. Phải quán triệt tinh thần đó trong chương trình, phải đặt nó trong chương trình học thực sự. Mỹ dục không được coi nhẹ, nhưng ta chưa có nhiều khả năng, nên làm được chừng nào thì cần cố gắng. Phải làm cho học sinh lớn lên, có chí hướng của nó(4).
Đồng chí Phạm Văn Đồng đã sớm thấy và chỉ ra vai trò của từng cấp học, bậc học: “Giáo dục phổ thông không đòi hỏi đào tạo học sinh trở nên những người có một bụng chữ, mà dạy cho học sinh yêu Tổ quốc, có đạo đức, có sức khỏe, có bầu nhiệt huyết lớn, có tâm hồn trong sáng, có chí hướng làm được nhiều việc, có phương pháp học tập… rồi sẽ làm gì cũng được, rồi tự nó sẽ tiếp tục học tập, nâng cao trình độ và phát huy mãi tài năng”(5).
Đối với người thầy giáo, đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói những điều tâm huyết mà cả xã hội cũng như mỗi người làm công tác giáo dục phải suy nghĩ và thực hiện. Đồng chí nói: Thầy giáo là kỹ sư của những con người mới, có nhiệm vụ đào tạo học sinh thành những người công dân tốt, người lao động tốt, người sản xuất tốt, người chiến sĩ tốt. “Sự nghiệp giáo dục của chúng ta là do ông thầy làm nên… Vì thế chúng ta phải quý trọng ông thầy, phải yêu mến ông thầy, phải giúp đỡ ông thầy về mọi mặt”(6). Đồng chí cũng đòi hỏi ở người thầy giáo “phải hết sức yêu thương các em, phải có tình cảm đối với các em, thương yêu học sinh, đó là đạo lý của người thầy giáo và người dạy học càng phải học: Học trong nghề dạy, học trong cuộc đời, học để mà dạy”(7); “làm cho trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”(8). Cho đến những năm tháng cuối đời, đồng chí Phạm Văn Đồng vẫn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, tương lai của dân tộc. Và kêu gọi lớp trẻ hãy học tập để thành người và để làm người, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng với cha anh, sánh vai cùng bạn bè trên thế giới.
Những quan điểm của đồng chí Phạm Văn Đồng về giáo dục là ở tầm vĩ mô, là quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Có thể nói, những thành quả trong sự nghiệp giáo dục, trong khoa học kỹ thuật, có một phần đóng góp quan trọng của đồng chí Phạm Văn Đồng.
(1) Bài nói tại lớp chỉnh huấn của Bộ Giáo dục, ngày 7-5-1961.
(2) Bài nói tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 20-7-1959.
(3) Bài nói tại Đại hội ngành giáo dục phổ thông miền Bắc, ngày 24-3-1956.
(4) Bài nói tại Hội nghị bàn về chương trình sách giáo khoa các trường phổ thông, ngày 27-7-1965.
(5) Sđd.
(6) Bài nói tại lớp chỉnh huấn của Bộ Giáo dục, ngày 7-5-1961.
(7) Bài nói tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 20-7-1959.
(8) Bài nói chuyện tại Hội nghị bàn về bảo vệ và sửa chữa trường lớp của Thủ đô Hà Nội, ngày 2-4-1981.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()